Thứ ba, 29/04/2025, 19:43 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

"4 tại chỗ" ở Ban CHQS huyện Tiên Yên

Theo Trung tá Nguyễn Đức Quang, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Tiên Yên, để chủ động trong công tác PCTT&TKCN, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra, Ban CHQS huyện đã tập trung chỉ đạo, chỉ huy ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ...

Tiên Yên có đường bờ biển dài gần 40km; có 3 con sông chạy qua địa bàn đổ ra biển là sông Tiên Yên, sông Phố Cũ, sông Hà Thanh. Bởi vậy, khi mưa to kéo dài, những con sông này có dòng chảy rất mạnh, cộng với lưu lượng nước lớn gây lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá… gây ra không ít thiệt hại về người và tài sản. Xác định đặc tính ấy, ngay từ những tháng đầu năm 2013, Ban CHQS huyện đã củng cố, kiện toàn các tiểu ban chỉ huy ở các hồ chứa, công trình trọng điểm và ở cấp thôn, bản. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến lũ hàng năm trên các lưu vực sông, Ban CHQS huyện xác định được những vùng trọng tâm có thể bị lũ quét, ngập úng, vỡ đê, sạt lở đất như: thôn Bắc Lù (xã Hà Lâu), khu Long Châu (thị trấn Tiên Yên), thôn 4 (xã Đồng Rui), hai bên bờ đập sông Hà Thanh (xã Đông Hải)… để chủ động trong công tác chỉ huy, ứng cứu và triển khai các phương án phòng, chống khi lụt, bão xảy ra. Trung tá Nguyễn Đức Quang cho biết: “Các xã, thị trấn thuộc các vùng trọng điểm đều phải xây dựng chi tiết phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, phân công thành viên phụ trách địa bàn cụ thể như: di dời các hộ dân từ vùng thấp lên vùng cao, từ nhà thấp lên nhà cao khi lũ xảy ra; từ nhà tạm, yếu đến nhà kiên cố khi bão vào; khả năng tập kết và có phương án di dời bắt buộc để đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác di dời dân”.

Ban CHQS huyện Tiên Yên kiểm tra trang thiết bị vật chất cứu hộ cứu nạn tại thị trấn Tiên Yên trước cơn bão số 3.
Ban CHQS huyện Tiên Yên kiểm tra trang thiết bị vật chất cứu hộ cứu nạn tại thị trấn Tiên Yên trước cơn bão số 3.

Vừa qua, để đối phó với cơn bão số 2, số 3 Ban CHQS huyện cũng đã cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn như: Đoàn KTQP 327, Trung đoàn 42… sẵn sàng tìm các phương án phối hợp thực hiện tìm kiếm cứu nạn, sơ tán nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai. Mặt khác, Ban CHQS huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho Ban CHQS ở các xã, thị trấn tuần tra, canh gác các tuyến đê được phân cấp để phát hiện, xử lý kịp thời tình huống xảy ra. Chẳng hạn như: sơ tán di dân ra khỏi vùng nguy hiểm tại các khu Đông Tiến 1, Đông Tiến 2, Thống Nhất (thị trấn Tiên Yên) hay Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng)… đến nơi an toàn.

Ban CHQS huyện còn hiệp đồng nhiệm vụ với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tại các xã, thị trấn để huy động lực lượng tại chỗ tham gia công tác PCTT&TKCN; tổ chức lực lượng ứng cứu trên các tuyến đê. Trong đó, lực lượng tại chỗ của xã Đông Hải và xã Đồng Rui là 100 người, cùng phối hợp với 40 người trong lực lượng hiệp đồng Đoàn KTQPK37 sẵn sàng tổ chức cấp cứu, sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm… Không chỉ vậy, Ban CHQS huyện còn tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trích nguồn kinh phí dự phòng mua sắm thêm nhiều phương tiện, trang thiết bị vật chất cứu hộ cứu nạn như: bao dứa, cọc tre, áo phao, phao bè, phương tiện cứu hộ... đảm bảo nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Tính đến thời điểm này, Ban CHQS huyện có 1 xuồng cao tốc, 10 xuồng cao su, 26 nhà bạt, 136 áo phao, 145 phao tròn; huy động ở mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 1.500 - 2.000 bao dứa; 250 - 500 cọc tre… sẵn sàng cơ động xử trí tình huống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn.

 “Mọi công tác chuẩn bị cho công tác PCTT&TKCN trên địa bàn đều đã sẵn sàng. Chúng tôi luôn thường trực cùng với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tại các xã, thị trấn túc trực 24/24 để phát hiện kịp thời, ứng phó với các tình huống, diễn biến phức tạp có thể xảy ra trong mùa mưa bão này”, Trung tá Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh thêm.

Lưu Linh