Thứ tư, 30/04/2025, 3:22 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

“Bác sĩ gia đình” - một mô hình y tế đang thu hút nhiều sự quan tâm

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một trong những nội dung được đề cập trong Đề án giảm tải bệnh viện giai đoạn 2012-2020 của Bộ Y tế đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mô hình phòng khám BSGĐ là cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Quy mô một phòng khám BSGĐ bao phủ một cụm dân cư tối thiểu 500 dân.

Có thời điểm, công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có thể lên tới trên 120%, gây quá tải. (Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả). Ảnh: Lưu Linh
Có thời điểm, công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có thể lên tới trên 120%, gây quá tải. (Ảnh chụp ở Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả). Ảnh: Lưu Linh

Theo đề án, việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình. Theo mô hình này, BSGĐ đảm đương 3 vai trò chính: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Họ sẽ khám sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường để tránh trường hợp người dân tự ý chuyển lên tuyến trên điều trị. Qua đó góp phần giảm bớt gánh nặng về thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, giảm sự quá tải bệnh viện, đồng thời tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân cũng như cho ngành Bảo hiểm y tế…

Ở Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có phòng khám BSGĐ nhưng mô hình này đã được ngành Y tế tỉnh xác định là cần thiết và chắc chắn sẽ triển khai trong tương lai gần. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y của Sở Y tế, cho biết: “Trung bình công suất sử dụng giường bệnh hiện nay ở các bệnh viện tuyến tỉnh ở Quảng Ninh là 107%, tuyến huyện là 95%. Với các bệnh viện đóng trên địa bàn đông dân cư như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, thì con số này thậm chí có thời điểm lên tới trên 120%, gây quá tải bệnh viện, đặc biệt là ở các chuyên khoa: Ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi v.v.. Do đó, việc phát triển mô hình BSGĐ là điều rất cần thiết…”. Ông Tuấn còn cho biết thêm: “Hiện tại, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch phát triển mô hình BSGĐ, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 7 năm nay. Theo kế hoạch, để xây dựng mô hình này, ngành Y tế tỉnh sẽ tiến hành việc đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình và cử một số y, bác sĩ chuyên khoa khác đi học thêm nghiệp vụ Y học gia đình. Về cơ sở vật chất, chủ yếu sẽ dựa trên những gì đã có, bởi mô hình này thiên về quản lý sức khoẻ, tư vấn, định hướng chuyển biến… Việc quản lý hồ sơ sức khoẻ của cụm dân cư thông qua phần mềm tin học quản lý thông tin sức khoẻ cá nhân, gia đình và cộng đồng, kết nối mạng giữa phòng khám BSGĐ với người bệnh, với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác… Do đó, công nghệ thông tin cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công mô hình này…”.

Phương Thuý

Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa cấp I Bùi Đức Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh: “Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. Họ phải đảm đương cả 3 vai trò: Khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Do đó, BSGĐ phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm lâm sàng về cả chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, nhiễm trùng và cả kỹ năng giao tiếp, tâm lý. Hiện nay, chúng tôi cũng đang xin ý kiến của Sở Y tế về việc phối hợp với Trường Đại học Y Hải Phòng để đào tạo đội ngũ Điều dưỡng chuyên khoa cấp I Y học gia đình (hệ đào tạo 6 năm) nhằm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển mô hình BSGĐ trong thời gian tới…”.

Thạc sĩ - Bác sĩ chuyên khoa cấp I Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Chăm sóc sức khoẻ Hoàng Anh (TP Hạ Long): “Hiện nay, phòng khám của chúng tôi cũng đang triển khai dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh tại nhà cho các khách hàng có nhu cầu, nhưng đây không phải là mô hình BSGĐ. Bởi vì chúng tôi chưa được khám bệnh, chữa bệnh diện BHYT, chưa theo dõi, quản lý hồ sơ bệnh nhân, cũng như chưa thực hiện các chức năng y tế dự phòng khác mà mô hình BSGĐ đề cập. BSGĐ là một mô hình tốt, ở nhiều nước phương Tây đã thực hiện rất thành công, góp phần đáng kể trong việc giảm tải bệnh viện. Đặc biệt, mô hình này có dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà cho người bệnh và chăm sóc sức khoẻ đến cuối đời. Đây là những dịch vụ mà nhiều người dân rất cần. Chúng tôi rất mong mô hình BSGĐ sớm được triển khai ở Quảng Ninh để hệ thống phòng khám tư nhân như chúng tôi được tham gia, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.

Ông Hà Thế Thung, tổ 9, khu 9, phường Hồng Hà, TP Hạ Long: “Tôi cũng đã được biết sơ qua về mô hình BSGĐ qua các thông tin trên báo chí. Tôi thấy đây là một mô hình hay mà ngành y tế cần sớm triển khai để những người dân, đặc biệt là người già như chúng tôi, được khám, chữa bệnh tại nhà, đỡ phải mất công đến các bệnh viện…”.