Thứ tư, 30/04/2025, 9:38 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

“Các hộ di dân ra Đảo Trần sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất”

Thời gian qua, Báo Quảng Ninh nhận được một số câu hỏi của bạn đọc xung quanh Dự án di dân ra Đảo Trần để thành lập đơn vị hành chính thuộc huyện Cô Tô. Để giải đáp những câu hỏi này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Thành (ảnh), Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô.

- Đề nghị đồng chí cho biết khái quát về Dự án di dân ra Đảo Trần?

+ Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, là hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ. Trên đảo hiện có CBCS của một số lực lượng chức năng đóng quân và một hộ dân làm nghề khai thác hải sản đang sinh sống. Với vị trí quan trọng như vậy, việc di dân ra Đảo Trần để phát triển KT-XH, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tháng 7-2012, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có quyết định phê duyệt Đề án và UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án “Vận động thanh niên, nhân dân ra Đảo Trần sinh sống để thành lập đơn vị hành chính trực thuộc huyện Cô Tô”. Đây là Đề án thể hiện chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa hết sức quan trọng của tỉnh, vừa tạo điều kiện cho người dân sinh sống, phát triển KT-XH vừa góp phần giữ gìn và bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ban chỉ đạo Đề án đã họp triển khai. Đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo đã chủ trì, cùng các đồng chí trong Ban chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức đi khảo sát thực tế tại Đảo Trần và chủ trì nhiều cuộc họp của UBND tỉnh, của Ban chỉ đạo để bàn biện pháp triển khai Đề án.

Ban Dân vận Tỉnh uỷ chỉ đạo hệ thống dân vận của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký tình nguyện ra Đảo Trần sinh sống. Chính quyền, đoàn thể các cấp, các cơ quan liên quan đã tích cực tuyên truyền, vận động. Đến tháng 5-2013, đã có 220 hộ dân trong và ngoài tỉnh đăng ký tình nguyện ra định cư tại Đảo Trần. Ban chỉ đạo triển khai Đề án đã phân công một số ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát và sơ bộ lựa chọn được 30 hộ dân để chuẩn bị đưa ra Đảo Trần đợt đầu tiên. Các hộ dân được sơ bộ lựa chọn, hầu hết chủ hộ đều dưới 40 tuổi, gia đình chủ yếu làm ngư nghiệp và đang khai thác hải sản ở khu vực ngư trường xung quanh Đảo Trần. Ban chỉ đạo đã họp với các hộ dân, công khai thông tin về Đề án và chủ trương vận động nhân dân ra phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN tại Đảo Trần; đồng thời lấy ý kiến nhân dân tham gia vào quy hoạch khu dân cư, mẫu nhà ở của nhân dân trên Đảo Trần; thông báo dự kiến một số cơ chế, chính sách di dân ra Đảo Trần.

Đến nay, UBND huyện Cô Tô đã cơ bản hoàn thành việc tu sửa 3 hồ chứa nước trên Đảo Trần; xây dựng xong quy hoạch chi tiết khu dân cư tỷ lệ 1/500, tổ chức lấy ý kiến tham gia các ngành trong huyện, của Sở Xây dựng, các sở, ngành liên quan và ý kiến của các hộ dân được lựa chọn di dân ra Đảo Trần. Các nội dung trên dự kiến sẽ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong tháng 6-2013. UBND huyện Cô Tô đã tiến hành đồng thời việc lập dự án, phân kỳ đầu tư xây dựng các hạng mục, san nền, kè chắn sóng để tạo mặt bằng bố trí khu dân cư, xây dựng nhà ở cho dân cư, trạm phát điện diesel, hệ thống đường giao thông đấu nối từ các tuyến đường hiện có vào khu dân cư, trường học, trụ sở hành chính, nhà công vụ, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp tâm linh, hệ thống kè bến cập tàu, khu neo đậu tránh trú bão. Các hạng mục nhà ở dân cư, kè biển, san nền, điện diesel sẽ được ưu tiên triển khai, khẩn trương thi công để đủ điều kiện di dân vào cuối năm 2013.

- Vấn đề cơ chế, chính sách cho các hộ dân ra Đảo Trần được nhiều người quan tâm. Đề nghị đồng chí cho biết cụ thể?

+ Ngày 20-5-2013, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về chính sách hỗ trợ di dân ra Đảo Trần do Ban chỉ đạo đề xuất, với quan điểm là: Thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có của Nhà nước và xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho việc di dân ra Đảo Trần. Những cơ chế này đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến của các hộ dân liên quan, các sở, ngành để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết nghị vào kỳ họp tới.

Theo dự thảo, đối tượng hưởng chính sách là hộ gia đình làm nghề ngư hoặc dịch vụ hậu cần biển, là hộ (nhóm hộ) có tàu (thuyền) khai thác thuỷ sản, tuổi đời dưới 40 tuổi (trường hợp cá biệt xét trên 40 tuổi nhưng không quá 50 tuổi), có sức khoẻ tốt, nhân thân tốt và có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh; ưu tiên hộ gia đình chưa có nhà trên bờ, đang thường xuyên sản xuất, neo đậu tàu thuyền tại khu vực Đảo Trần; đi theo nhóm hộ cùng quê, cùng địa phương; cán bộ, công chức, viên chức được điều động ra công tác trên đảo, đang công tác trên đảo có nguyện vọng chuyển cả gia đình ra định cư lâu dài trên đảo.

Về các cơ chế, chính sách dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình gồm: Hỗ trợ di chuyển người và hành lý từ nơi ở cũ đến Đảo Trần; hỗ trợ xây nhà ở và hệ thống công trình phụ cho các gia đình theo mẫu thiết kế được phê duyệt và theo nguyên tắc Nhà nước tổ chức xây dựng, người dân giám sát, Nhà nước hỗ trợ khoảng 80% giá trị công trình, hộ dân nhận nhà đóng góp khoảng 20% giá trị (không quá 120 triệu đồng/nhà và hộ gia đình trả dần trong 10 năm, mỗi tháng 1 triệu đồng, bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi); trợ cấp lương thực 1 năm đầu, bình quân một nhân khẩu là 15kg/tháng. Các hộ ra đảo có nhu cầu đóng mới, sửa chữa cải hoán tàu cá, nuôi cá lồng bè, dịch vụ hậu cần nghề biển (thu mua, chế biến hải sản…) được vay vốn và được hỗ trợ lãi suất vay. Trẻ em học hệ mầm non và học sinh phổ thông học tập trên đảo được hưởng chính sách miễn học phí và hỗ trợ học tập; trường hợp trên đảo không bố trí được lớp học THCS, THPT thì học sinh được tuyển thẳng vào Trường Dân tộc nội trú. Dân cư trên đảo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế để được khám, chữa bệnh; được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo chính sách hiện hành của Nhà nước cho vùng đặc biệt khó khăn; được hỗ trợ đào tạo nghề lao động theo chính sách đào tạo nghề nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước.

- Đấy là chính sách của tỉnh, còn huyện Cô Tô có cơ chế riêng gì để thu hút nhân dân ra Đảo Trần không, thưa đồng chí?

+ Ngoài chính sách chung của tỉnh khi được HĐND tỉnh thông qua, các hộ gia đình ra sinh sống tại Đảo Trần sẽ được thụ hưởng một số cơ chế riêng do HĐND huyện Cô Tô ban hành dành cho các hộ dân trên địa bàn huyện như: Cơ chế trợ giá tiền dầu máy phát điện, hỗ trợ cước phí vận chuyển chất đốt (than bùn) đến tận hộ gia đình, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng theo mô hình phát triển kinh tế. Quan điểm của Cô Tô là sẽ tích cực, nỗ lực phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ di dân ra Đảo Trần phát triển KT-XH, thiết thực tham gia củng cố QP-AN nơi đảo tiền tiêu. Chắc chắn rằng, với cách làm này, trong tương lai không xa, Đảo Trần không chỉ là nơi tránh, trú bão của ngư dân như trước kia mà thay vào đó sẽ là các cụm, khu dân cư đông đúc, mạnh về kinh tế, vững về QP-AN.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Quang Minh (Thực hiện)