Thứ tư, 30/04/2025, 7:08 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

"Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các mục tiêu"

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ chưa tính đến việc điều chỉnh các mục tiêu đã đề ra mà sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra, dù đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn.



Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn biến trong 6 tháng qua đã cho thấy, lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm nay, nếu so với tháng 12 năm ngoái thì lạm phát của tháng này chỉ ở mức 2,4%, thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng của 6 tháng qua so với cùng kỳ năm ngoái vẫn còn khá cao, trên 6,7%. Trong nửa năm qua, xuất khẩu liên tục đạt mức tăng trưởng cao, nên tổng kim ngạch đã đạt trên 62 tỷ USD, còn nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu chỉ ở khoảng 1,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước mặc dù còn rất khó khăn so với dự toán, nhưng đến cuối tháng 6 đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp đã tăng trên 5%, nhất là công nghiệp chế tạo và chế biến đã được cải thiện rõ nét. Hàng tồn kho giảm gần nửa so với mức trên 21% của đầu năm nay. Điển hình là sản lượng xi măng đã tăng được 18% và tồn kho chỉ còn tương đương 12 ngày sản xuất.

Các thành viên Chính phủ đều nhất trí cho rằng, nhờ tích cực triển khai các giải pháp của Chính phủ, nên tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả tích cực và đúng hướng, góp phần đưa tăng trưởng GDP của nửa năm qua lên 4,9%. Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các thành viên Chính phủ đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để tìm kiếm thị trường cho hàng nông sản, nhất là lúa gạo, giảm giá đầu vào của ngành chăn nuôi và có giải pháp để doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng. Theo đó Ngân hàng nhà nước cần điều chỉnh tiêu chí đối với các doanh nghiệp đang có nợ được vay thêm vốn nhằm hoàn thành các dự án dang dở để có tiền trả nợ.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn Cao Đức Phát, giá gạo, cao su và rau quả trên thị trường thế giới đã giảm từ 12-13%, trong khi đó do thu hoạch trong nước có thời điểm lên đến 10 triệu tấn cùng lúc nên đã làm cho giá lúa giảm. Trong khi đó, giá đầu vào của nông nghiệp và chăn nuôi tăng cao làm cho thu nhập của nông dân giảm. Do vậy, nhiệm vụ lớn nhất từ nay đến cuối năm là phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, với diễn biến lạm phát như mấy tháng gần đây thì Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất cho vay ở các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên từ 10 xuống 9%/năm, còn lãi suất huy động có thể giảm từ 7,5% xuống 7%. Với mức lạm phát như hiện nay thì đây gần như giới hạn cuối cùng.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù các giải pháp được nêu trong các Nghị quyết của Chính phủ đã phát huy hiệu quả bước đầu, tuy nhiên việc cụ thể hóa các chủ trương còn chậm, điển hình gói hỗ trợ và nhà ở Công ty mua bán nợ, nên tác động chính sách chưa được như mong muốn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thể chế hóa các chủ trương cũng như cần hết sức lắng nghe để bổ sung, hoàn thiện các chính sách cho phù hợp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù tình hình đã có nhiều dấu hiệu tốt, song những thách thức phía trước đối với nền kinh tế còn hết sức khó khăn, Chính phủ chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra.

Để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung điều hành nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng hợp lý. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hết sức lưu ý đến việc tăng dư nợ tín dụng lên mức 12% cho cả năm nhưng phải giải đều, tránh giật cục. Trước hết cần tăng cường cho vay ở các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc điều chỉnh tỷ giá của cả năm nay ở mức từ 2-3% nhưng không được tập trung vào một thời điểm.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt việc quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải buộc các ngân hàng thương mại tất toán toàn bộ các tài khoản vàng vào cuối tháng 6 này như kế hoạch. Trước tình hình thu ngân sách nhà nước có thể bị sụt giảm lớn so với dự toán, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải hết sức tiết kiệm chi.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành và địa phương cần huy động các nguồn vốn để tăng vốn đầu tư toàn xã hội lên cao hơn, theo đó, Chính phủ sẽ cố gắng bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, ứng trước vốn để giải phóng mặt bằng các dự án Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 để hoàn thành các dự án này theo đúng với Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương. Hơn nữa khi thúc đẩy được việc giải ngân các nguồn vốn thì cũng sẽ giúp tăng tổng cầu và từ đó tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với các giải pháp hỗ trợ thị trường, Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ chức năng cần tập trung mở rộng thị trường nông sản, vì đây là vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm lúc này nhằm đảm bảo người nông dân có lãi được 30%. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách cụ thể, thiết thực theo từng vùng, từng lĩnh vực và từng mặt hàng. Ở nhưng nơi nông dân chuyển đổi được cây trồng thì cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng loại cây đó, nhất là ngô và đậu tương để nền kinh tế không phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu 2 mặt hàng này. Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương phải nghiêm túc triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế. Dù đây là việc làm lâu dàu nhưng phải được thực hiện một cách quyết liệt và ở từng ngành, từng lĩnh vực.

Ngày mai, Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận về công tác xây dựng pháp luật.

Theo vtv