Dịp đầu năm 2005, cũng là lần đầu tiên chúng tôi được cử đi tìm hiểu về tình trạng khai thác than trái phép ở huyện Hoành Bồ. Thời điểm ấy, công tác ngăn chặn than trái phép đã được các cơ quan chức năng triển khai khá quyết liệt. Thế nhưng ở địa phương này lại diễn ra trái ngược. Qua điều tra, chúng tôi biết, một số cán bộ ở địa phương cũng là chủ lò nếu không thì cũng có hàng chục đầu xe vận tải than trái phép.
Trong vai những người đi tìm cậu em họ bỏ nhà đi theo bạn ra Quảng Ninh đội than thuê, chúng tôi lần mò xuống một số lò, đến một số lán “cửu vạn”, mà không hề bị chủ lò hay “cửu vạn” nào mảy may nghi ngờ, xét nét. Thế nhưng, trên đường về thì chúng tôi gặp sự cố. Vừa xuống đến một ngã ba thì chúng tôi gặp một đoàn xe chở đầy than đỗ ven đường. Mặc dù tư liệu phục vụ bài viết đã khá đầy đủ, nhưng chúng tôi vẫn muốn chụp thêm ảnh về các xe than này. Lựa chỗ khuất, bạn đồng nghiệp đi cùng đưa máy lên chụp nhanh một kiểu. Đúng lúc ấy có một tài xế đang lúi húi dưới gầm xe thò đầu ra và phát hiện được nên hỏi lớn: “Chúng mày chụp ảnh làm gì đấy?”. Nghe thấy thế, một đám đông từ quán bên kia đường ào ra vây kín chúng tôi. Một thanh niên cởi trần lao vào túm cổ tôi. Hai thanh niên khác khống chế anh bạn đồng nghiệp rồi kéo vào một căn nhà gần đó. Vào đến trong nhà, một số thanh niên thì cầm ghế, người cầm gậy lao vào vụt chúng tôi túi bụi. Một người có vẻ là “ông chủ” quát: “Chúng mày là nhà báo à?” và yêu cầu chúng tôi nộp máy ảnh để kiểm tra. Đang lúc tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thì có một người trung niên chạy vào yêu cầu đám đông không được manh động và bảo chúng tôi xuất trình giấy tờ. Sau khi xem giấy công tác của chúng tôi, người này giới thiệu là Chủ tịch UBND xã. Những tưởng như thế là thoát nạn, không ngờ vị cán bộ này lại quát: “Phép vua thua lệ làng, chúng mày vào đây viết bài thì phải báo cáo với xã chứ. Nộp máy ảnh ra để xã kiểm tra”. Nói xong, anh ta gọi điện yêu cầu dân quân xã ra đưa chúng tôi về trụ sở để “giam lỏng”. Sau hơn một giờ “đấu lý” với cán bộ xã, họ mới thả chúng tôi. Một tuần sau, bài “Cần chấm dứt tình trạng khai thác than trái phép” được đăng trên báo Quảng Ninh. Sau đó, chúng tôi nhận được thông tin một số cán bộ ở đây đã bị kỷ luật khiển trách.
![]() |
Phóng viên các báo Đảng miền núi, trung du phía Bắc tác nghiệp tại đêm giao lưu văn nghệ trong chương trình “Hành trình về nguồn” tại Cô Tô, tháng 5-2013. |
Năm 2008, lãnh đạo cơ quan giao đi tìm hiểu về tình trạng khai thác than trái phép ở khu vực rừng đặc dụng Yên Tử. Thông tin này của người dân phản ánh. Sau khi tìm thuê được người dẫn đường, chúng tôi leo tắt rừng từ bến xe Yên Tử sang khu vực Khe Cam nằm ở phía tây Yên Tử mất hơn 2 giờ đồng hồ. Quả đúng như phản ánh của người dân, từ trên đồi cao nhìn xuống, chúng tôi thấy việc khai thác than ở khu vực này khá rầm rộ với xe goòng, máy phát điện công suất lớn, xe tải Uran.
Rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi nhẹ nhàng tiếp cận một cửa lò để chụp ảnh. Đang chuẩn bị di chuyển sang khu vực khác thì điện thoại của tôi chợt reo vang. Ngay lập tức, từ phía triền rừng có 2 thanh niên hùng hổ vác búa lò ập xuống “túm gọn” chúng tôi. Một thanh niên dứ búa vào cổ tôi doạ: “Chúng mày muốn chết à, dám vào đây lén lút chụp ảnh?”. May thay, người chúng tôi thuê dẫn đường khá nhanh trí, nói lớn: “Mấy chú này là cán bộ đi khảo sát rừng đấy”. Nghe vậy, 2 thanh niên này mới dịu giọng: “Đây là khu vực “cấm” quay phim, chụp ảnh, chúng mày biến ngay đi chỗ khác cho bọn tao nhờ...”. Thoát nạn, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi “vùng cấm”. Xuống được đường, lên được xe ô tô chúng tôi vẫn còn “tim đập, chân run”. Một tuần sau phóng sự “Rừng Yên Tử không yên” của chúng tôi được đăng (tác phẩm đoạt giải ba báo chí tỉnh năm đó). Ngay sau bài báo ra đời, UBND TP Uông Bí đã tích cực vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác than trái phép tại khu vực rừng đặc dụng Yên Tử.
Và vui, buồn chẳng thể nào quên
Với tôi có một kỷ niệm đáng nhớ nhất là cuối năm ngoái, được cơ quan giao nhiệm vụ đi tìm hiểu thực tế về tình trạng những ngôi nhà di dân không người ở tại xã đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn). 6 giờ sáng hôm ấy, chúng tôi đi xe máy đến bến Vũng Đục, phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả) để đón tàu ra Ngọc Vừng. Do không nắm rõ lịch trình tàu chạy, nên khi chúng tôi đến nơi, tàu đã rời bến được gần chục phút. Vì đã hẹn trước với Đồn BP Ngọc Vừng, nên mặc cho thời tiết giá lạnh của những ngày giáp Tết, chúng tôi tiếp tục chạy xe máy sang cầu cảng Vân Đồn để đón tàu. Nhưng rồi lại một lần nữa, khi chúng tôi đến nơi thì tàu cũng vừa xuất bến. Chúng tôi đành tìm gặp một người quen tại Vân Đồn để nhờ thuê xuồng ra đảo. Nếu như một chuyến ra đảo Ngọc Vừng bằng tàu gỗ, chúng tôi chỉ mất gần 100 ngàn đồng/ người/lượt, còn thuê xuồng chúng tôi phải mất tới 3,5 triệu đồng, nhưng vì công việc và trên hết là niềm say mê với nghề, thêm một trải nghiệm, chúng tôi vẫn vui vẻ bỏ ra số tiền gấp hơn 17 lần để ra đảo.
Khi biết có nhà báo đến, lãnh đạo UBND xã Ngọc Vừng dù đang bận đi cơ sở, nhưng vẫn thu xếp công việc để về trụ sở UBND xã tiếp chúng tôi. Dù đã đến Ngọc Vừng nhiều lần, nhưng lần nào trở lại tôi cũng thêm những khám phá mới. Nghe chúng tôi đặt vấn đề, một mặt lãnh đạo xã chuẩn bị đầy đủ tài liệu cho chúng tôi, mặt khác phân công cán bộ đưa chúng tôi “mục sở thị”. Nhờ đó, chỉ trong 1 ngày, chúng tôi đã có đầy đủ tư liệu để thực hiện bài viết của mình.
Bên cạnh những niềm vui có được, tôi cũng gặp phải không ít chuyện buồn trong nghề. Lần ấy, tôi được phân công phản ánh về công tác giải phóng mặt bằng ở một địa phương. Trước khi đi thực tế, chúng tôi đã liên hệ và được giới thiệu đến làm việc với phòng chức năng của một đơn vị. Khi chúng tôi đến, có 4 cán bộ đang ngồi làm việc. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nội dung công việc, không mời ngồi, một trong số họ chỉ nói đợi để họ chuẩn bị tài liệu. Thấy vậy, chúng tôi đành phải ra hành lang đứng chờ... Một lần khác, tôi thực hiện tuyên truyền về lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dù đã điện hẹn trước và được nhận lời, nhưng khi tôi đến thì vị lãnh đạo này nêu lý do bận việc, nên giới thiệu tôi làm việc với cấp phó. Khi tôi đề nghị muốn lấy ý kiến của một cán bộ trong cơ quan này đóng góp vào Dự thảo, thì vị được “uỷ quyền” này thản nhiên trả lời: “Ở đây toàn lãnh đạo, không có cán bộ. Chúng tôi rất ngại lên báo chí”.
Có lẽ, cũng như nhiều người làm báo, bên cạnh kiến thức và kinh nghiệm, chúng tôi rất cần sự hợp tác và tạo điều kiện của địa phương, đơn vị mình đến công tác, vì một mục tiêu chung đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Quang Minh - Nguyễn Huế
TÂM SỰ CỘNG TÁC VIÊN Đi càng khổ, viết càng hay Thu Trang (Đài Đông Triều) Viết báo chỉ với lòng say mê vẫn chưa đủ Hồng Trường (Ban CHQS Quảng Yên) Động lực từ sự trân trọng của Tòa soạn Thanh Đông (HT: 3KC-890 Hà Lầm) |