Thứ tư, 30/04/2025, 9:44 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

“Kinh tế và văn hoá luôn đồng hành, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh...”

LTS: Hôm nay 10-6, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh diễn ra một số hoạt động bên lề của Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5, khoá VIII (chính thức diễn ra vào ngày mai, 11-6). Đây là dịp để đánh giá lại một cách toàn diện quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong tình hình mới. Đây cũng là dịp tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về nhận thức và hành động trong thực hiện Nghị quyết, đưa văn hoá thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội.

(Phóng viên Báo Quảng Ninh trò chuyện với đồng chí Vũ Ngọc Giao, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)

- Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có nền tảng khá vững vàng về nhiều mặt, vậy nên khi bước vào thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” hẳn là có nhiều thuận lợi, thưa đồng chí?

+ Đúng là như vậy! Quảng Ninh chính là nơi hội tụ, giao thoa nhiều luồng tinh hoa văn hoá khác nhau, là sự thống nhất và đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Quảng Ninh được cả nước và thế giới biết đến không chỉ là một vùng công nghiệp than lớn nhất Việt Nam, mà còn bởi những di sản do thiên nhiên ban tặng và do con người sáng tạo nên, hội tụ điều kiện tự nhiên đa dạng, Quảng Ninh được xem như “đất nước Việt Nam thu nhỏ” với những danh thắng nổi tiếng mà không địa phương nào trong cả nước có được, tiêu biểu như Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, được bầu chọn là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Quảng Ninh cũng có hơn 600 di tích lịch sử - văn hoá, trong đó tiêu biểu là khu di tích (KDT) nhà Trần tại Đông Triều, KDT Chiến thắng Bạch Đằng (Quảng Yên), KDT Thương cảng Vân Đồn và KDT lịch sử - danh thắng Yên Tử; là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với tinh thần kỷ luật và đồng tâm, có 22 dân tộc anh em với những giá trị văn hoá đặc sắc cùng chung sống… Đó chính là những điểm thuận lợi căn bản trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII).

- 15 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII) ở Quảng Ninh chắc chắn đã đạt được kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Vậy trong đó, những nét đặc trưng, riêng có của văn hoá Quảng Ninh đã được hình thành như thế nào, thưa đồng chí?

+ Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh trong 15 năm qua là khả quan và tương đối toàn diện, tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trên tất cả các lĩnh vực. Quảng Ninh đã có những cách làm mới và sáng tạo trong việc xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung triển khai. Một là từng bước loại bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TU về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Nghị định 105/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc tổ chức tang lễ cho cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Có thể thấy rõ nhất là việc bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: khi con trai lấy vợ thường bị nhà gái thách cưới bằng bạc trắng hoặc cả cặp trâu bò; hoặc khi có đám tang thì người làng không đến đưa tiễn; thậm chí, người chết chỉ được bó chiếu, gia đình xỏ gậy khiêng đi chôn; có chỗ thì lại cỗ bàn linh đình, dù tang gia bối rối vẫn phải lo mổ lợn làm cỗ đãi làng… đến nay đều không còn tồn tại nữa. Hai là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống để Quảng Ninh cùng với cả nước bước vào hội nhập với thế giới. Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hoá lớn, phong phú, đa dạng với hơn 600 di sản vật thể là hệ thống đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh cùng hàng nghìn di sản phi vật thể là những phong tục, tập quán, kho tàng văn học dân gian, trò chơi, lễ hội truyền thống… Mỗi loại hình đều mang sắc thái riêng, thể hiện nét văn hoá độc đáo của từng dân tộc. 15 năm qua, những giá trị riêng có, độc đáo ấy đã được bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt, là tiềm năng dồi dào để phát triển văn hoá và du lịch ở Quảng Ninh. Ba là xây dựng và phát huy bản sắc văn hoá Vùng mỏ,  gìn giữ và phát triển nét văn hoá mới của người Quảng Ninh. Đó là xây dựng nếp sống văn hoá mới khu dân cư, tương thân, tương ái hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hiến đất xây dựng công trình phúc lợi xã hội, xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, vận động quyên góp đưa điện lưới ra đảo Cô Tô, vận động người dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long lên bờ sinh sống…

Có thể khẳng định, các hoạt động văn hoá ở Quảng Ninh những năm qua đã thúc đẩy kinh tế Quảng Ninh phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 12%/năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,98% (năm 2010) xuống còn 3,2% (năm 2012).

- Vậy Quảng Ninh đã xây dựng nét văn hoá mới của con người nơi đây như thế nào để tạo động lực, nền tảng văn hoá tinh thần cho sự phát triển bền vững của tỉnh hiện nay, thưa đồng chí?

+ Trong Quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, 2050, Quảng Ninh xác định từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng từ “nâu” sang “xanh”. Do vậy, việc xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc ở Quảng Ninh là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa loại bỏ các hủ tục, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá mới. Trong đó, mục tiêu là xây dựng con người vùng di sản, vùng du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện với du khách, có ý thức với cộng đồng trong việc giữ gìn, phát huy các di sản văn hoá; làm cho du khách trong và ngoài nước khi đến Quảng Ninh yêu mến con người với những giá trị văn hoá độc đáo của Quảng Ninh, từ đó thu hút du khách vừa đến tham quan du lịch đồng thời đầu tư kinh doanh vào Quảng Ninh. Như vậy, văn hoá từng bước khẳng định vị trí và vai trò của mình vừa là nền tảng tinh thần, vừa là “mục tiêu”, là “động lực” trong phát triển KT-XH nhanh, bền vững. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

Ngọc Mai (Thực hiện)