- Thường thì mỗi người đến với nghề đều có một duyên cớ nào đấy! Với anh thì sao, thưa nhà báo Ngô Tiến Cảnh?
![]() |
+ Với mình ư? Thú thực, việc mình vào nghề báo ban đầu cũng chỉ là do hoàn cảnh buộc phải thế thôi. Hay như người ta vẫn nói, là để “hợp lý hoá gia đình” ấy mà. Trước khi làm báo chuyên nghiệp, mình đã trải qua gần 20 năm làm lính, từng được đào tạo qua 2 trường sĩ quan chính quy, là Trường Sĩ quan Lục quân I (năm 1975) và Trường Sĩ quan Hải quân (năm 1977). Vì vậy đã có lúc nghĩ rằng đời mình sẽ gắn với binh nghiệp. Nhưng năm 1987, cái “tổ nhỏ” của mình gặp “sự cố” đột xuất; vợ được cơ quan cho đi học tập dài hạn ở Hà Nội, hai đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa bé 3 tuổi, gửi nhờ bên ngoại, trong lúc bà ngoại thì vẫn đang công tác nên không thể quản chúng được. Trong hoàn cảnh ấy, mình không thể cứ đi biền biệt, nên chỉ còn cách là phải chuyển ngành… Vốn là Đại uý - Thuyền trưởng tàu Hải quân nên lúc đầu định xin chuyển về lái ca nô cho Cục Hải quan tỉnh, nhưng mọi người trong gia đình phản đối, bảo: “-Bao năm làm lính hải quân lênh đênh trên biển rồi, giờ xuất ngũ thì “lên bờ” thôi!”. Ông Vũ Cẩm, lúc đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, biết gia cảnh, có ý muốn nhận về Ban, nhưng rồi không thành, nên giới thiệu sang Báo Quảng Ninh. Lần trình diện đầu tiên, Tổng Biên tập Nguyễn Huy Trợ nhìn mình, nói: “Đại uý mà trẻ thế. Lương của cậu cao hơn lương nhiều nhà báo đấy. Phải cố gắng học tập người đi trước, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nghề báo là rất vất vả. Bây giờ về gặp anh Công Vượng, Trưởng Ban Bạn đọc, để nhận việc”… Mình đã vào nghề báo chỉ đơn giản vậy thôi.
- Nhưng chắc trước đó anh cũng đã từng viết lách cho các báo rồi chứ?
+ Có viết, nhưng phần nhiều là thơ. Thi thoảng cũng có một hai tin, bài gửi đăng ở báo Quân đội, báo Hải quân, báo Quân khu ba v.v.. Vẫn nhớ năm 1981, sau chuyến đi Trường Sa trở về, mình đã viết một phóng sự với tít là “Ghi ở Trường Sa” đăng trên báo Hải quân. Có lẽ đây là bài báo tạm gọi là “có nghề” đầu tiên của mình. Chính từ những tư liệu từ bài báo này sau đó đã giúp mình có một loạt bài về Trường Sa đăng trên báo Quảng Ninh nhân sự kiện tháng 3-1988...
- Lúc mới vào nghề báo, cảm xúc của anh như thế nào khi tác phẩm báo chí của mình được đăng? Khi lần đầu tiên được lĩnh tiền nhuận bút?
+ Nhìn chung khi có bài được đăng báo thì phấn khởi, tất nhiên rồi! Nhất là với những bài được Ban Biên tập sửa cho khiến chất lượng nâng hẳn lên thì không chỉ phấn khởi, mà cả sự nể trọng công việc làm báo và những người làm báo nữa! Họ đã cho mình những bài học quý về nghề! Còn nhuận bút ấy à, xem ra không ấn tượng lắm; vì ngày đó, nhuận bút chẳng đáng bao nhiêu đâu, “không đủ bữa rượu”... (cười).
- Là người đã từng làm phóng viên, rồi làm Trưởng phòng nghiệp vụ của Toà soạn; sau đó lại chuyển sang làm công tác Hội… Đến bây giờ nhìn lại chặng đường làm báo của mình, anh thấy điều gì tâm đắc nhất? Có điều gì khiến anh cảm thấy hối tiếc không?
Với người làm báo cách mạng thì quan trọng nhất là làm sao viết để DÂN TIN, làm sao để những bài báo thật sự CÓ ÍCH cho nhiều người, và làm sao để đừng VIẾT GIẢ... |
+ Kể cả thời gian làm báo trực tiếp và thời gian làm công tác Hội Nhà báo ở Quảng Ninh cho tới lúc nghỉ hưu, mình có thâm niên 25 năm. So với nhiều đàn anh và bầu bạn đồng nghiệp, 25 năm còn là ít. Tuy nhiên, khi có thời gian hồi suy lại, 25 năm ấy cũng đầy kỷ niệm không thua kém gì những tháng năm đời lính; có điều tính chất của kỷ niệm hơi khác một chút thôi. Thời lính, đó là kỷ niệm gian khổ, quyết liệt nhưng hào hùng. Thời làm báo, đó là kỷ niệm dấn thân, chấp nhận và trưởng thành. Có nhiều điều tâm đắc trong thời kỳ này. Thứ nhất là mình gắn với cuộc đời sâu hơn, thật hơn, bỏ đi được nhiều ảo tưởng, từ đó định vị mình xác thực hơn. Thứ hai là nhận ra được bên mình còn rất nhiều người tốt, và vì những người tốt đó mình phải sống cho xứng đáng. Thứ ba là không bao giờ được chán nản, phải tin vào những điều tốt đẹp có trong mình, có trong cuộc đời… Còn hối tiếc ư, cũng có! Giá như hồi còn làm ở Báo Quảng Ninh, mình biết kiềm chế bản thân hơn, đừng để “rượu nó lôi đi”, rồi sa đà vào quậy phá… thì chắc thời gian trực tiếp làm báo, viết báo cũng sẽ dài hơn! Nói thật, mình thích công việc làm báo hơn là làm công tác quản lý. Vậy nên việc được điều sang Hội hồi ấy với mình là sự miễn cưỡng, bất đắc dĩ… Nhưng “tự làm tự chịu”, biết sao được! Ừ, mà sao “cái tật” của mình hồi ấy lại “phát” thế nhỉ? (cười).
- Phải chăng vì “giữa đường đứt gánh”, chuyển sang làm công tác quản lý, không được trực tiếp đi làm phóng viên nữa mà Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ninh Ngô Tiến Cảnh lúc đã già rồi, nghỉ hưu rồi, lại nhận lời làm phóng viên thường trú cho một tờ báo Trung ương chăng?
+ Chuyện mình về hưu lại đi làm phóng viên thường trú cho Báo Đại đoàn kết có một phần lý do ấy; phần nữa, là do mối “thâm tình”… Mình nghỉ hưu được mấy tháng thì Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết đề nghị sang làm Thường trú cho Báo tại Quảng Ninh. Được biết, cũng có người đã đăng ký nhưng Báo vẫn dành “ghế” cho mình, đó là cái tình đáng trọng. Thêm nữa, người thân, bầu bạn, ai cũng ủng hộ, “hưu tuổi không hưu nghề, làm cho vui, đỡ stress!”. Lại còn được một khoản tiền, tuy không nhiều, nhưng dù sao thì cũng có thêm thu nhập. Vậy thì làm! Làm cho cái duyên với nghề báo không chỉ là “ru hời…”.
- Anh đã có thời gian công tác khá dài ở Báo Quảng Ninh; đặc biệt là người gắn bó, tâm huyết với tờ báo Quảng Ninh thứ bảy, “tiền thân” của tờ Quảng Ninh cuối tuần hiện nay, từng được phân công phụ trách Ban Quảng Ninh thứ bảy trong nhiều năm... Vậy anh có nhận xét gì không về tờ báo này trong thời điểm hiện tại? Nó cần có sự đổi mới như thế nào để đáp ứng được nhu cầu bạn đọc?
+ Tôi tâm huyết với các ấn phẩm của Báo Quảng Ninh, đặc biệt với tờ Quảng Ninh cuối tuần, không chỉ vì tôi đã có thời phụ trách, mà vì nó hợp với cái “tạng” của tôi. Bây giờ làm báo Cuối tuần đã có nhiều thuận lợi hơn, nhưng cũng đang chịu nhiều sức ép hơn từ phía bạn đọc. Giữ được chất lượng, uy tín như hiện nay đã là rất cố gắng. Bởi lẽ, tờ Cuối tuần vẫn là tờ báo Đảng, nhưng góc tiếp cận của nó với bạn đọc, cách mà nó tuyên truyền, cổ động bạn đọc, lại phải “mềm mại” với những chuyên trang, chuyên mục giàu chất văn nghệ mà lại không hoàn toàn là văn nghệ. Đặc thù ấy luôn là thử thách với người làm báo. Vậy nên, làm báo Cuối tuần phải chọn người có sở trường, phải thường xuyên chăm lo, phát triển đội ngũ. Các chuyên trang, chuyên mục phải được phân công cụ thể người “chuyên” phụ trách và thường xuyên đổi mới để hoà nhập với mạch thông tin. Nếu mỗi số báo ra hàng ngày của Toà soạn có trọng tâm của nó, thì Cuối tuần là trọng tâm thông tin cả tuần của Toà soạn. Cùng những nội dung quan trọng nhất của tỉnh, những nội dung nổi bật nhất của đất nước, những thông tin hấp dẫn của thế giới có nội dung tương đồng cần được khai thác, giới thiệu để làm phong phú tờ báo của mình. Chúng ta đang thiếu lắm những cây bút chính luận và tiểu phẩm. Nên chăng cũng cần “thỉnh các sư phụ” hỗ trợ…
- Ấy là nói riêng tờ Quảng Ninh cuối tuần, còn nếu đề nghị anh có đôi lời nhận xét về đội ngũ làm báo trẻ nói chung ở Quảng Ninh hôm nay thì anh sẽ nói gì? Anh có lời khuyên gì với họ?
+ Nhờ làm báo mà tôi có được nhiều đồng nghiệp trở thành bầu bạn, người thân. Đó là một hạnh phúc! Tôi tin tưởng và tự hào về đội ngũ người làm báo Quảng Ninh hôm nay, nhất là các nhà báo trẻ. Tôi hằng nghĩ, nếu họ có được bản lĩnh chính trị, sự tận tuỵ hết mình với nghề như lớp cha anh thì thật là tuyệt vời. Theo tôi, với người làm báo cách mạng thì quan trọng nhất là làm sao viết để DÂN TIN, làm sao để những bài báo thật sự CÓ ÍCH cho nhiều người, và làm sao để đừng VIẾT GIẢ... Đấy là những điều tôi chiêm nghiệm từ thực tế, gọi là khuyên răn thì không dám, mà chỉ là nói ra để chia sẻ với nhau thôi!
- Xin hỏi anh thêm một câu cuối cùng nữa nhé. Là một người vừa làm văn, vừa viết báo, anh có “bên trọng, bên khinh” không? Bên nào anh trọng, bên nào anh khinh? Vì sao?
+ Bản thân nghề báo đã cần hội tụ nhiều năng lực, nhiều phẩm chất. Biết nhiều đến bao nhiêu cũng chưa đủ, vậy nên biết thêm được điều gì là quý điều đó. Văn chương và báo chí là anh em ruột thịt với nhau, hỗ trợ cho người viết sáng tạo tác phẩm. Tôi trọng cả hai, chỉ nhắc mình khi tác nghiệp không được lẫn lộn bản chất của chúng...
- Xin cảm ơn anh đã có cuộc trò chuyện thú vị và bổ ích này với chúng tôi! Chúc anh luôn giữ được nhiệt huyết với nghề như thời còn trai trẻ!
Quốc Huấn