Chị chính là cô bé khuyết tật Nguyễn Thị Bích, cách đây hơn 20 năm đã được đưa về Trung tâm vì không còn ai cưu mang...
“Con có thể bước đi cũng là nhờ các mẹ”...
Bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, đã có khoảng 60 trẻ em ở Trung tâm này được các công dân nước ngoài nhận làm con nuôi. Phần lớn trong số họ đều trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc. “-Nhưng có lẽ, trong số ấy, cháu Bích là cô bé mà chúng tôi nhớ nhất! Chúng tôi thực sự thấy tự hào vì có những đứa con như vậy!” - Bà Lan chia sẻ.
![]() |
Mẹ Nguyễn Thị Thu Hà (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm với Nguyễn Thị Bích (thứ hai phải sang) cùng bố mẹ nuôi và gia đình cô bé nhân chuyến thăm Canada năm 1996. |
Bích sinh năm 1982, tại phường Hà Khánh (TP Hạ Long). Tuổi thơ của cô không được may mắn như những đứa trẻ cùng trang lứa. Sinh ra 7 ngày, cô đã bị bệnh não khiến chân tay co quắp. Đã thế, gia cảnh nhà cô bé lại không được tốt, bố mẹ thường xuyên cãi vã, xung khắc với nhau. Không những chẳng thương đứa con tật nguyền, nhìn cô bé, họ lại càng ngán ngẩm, chì chiết, cãi vã nhau nhiều hơn. Và một năm sau đó, họ bỏ nhau, ai đi đường nấy, để cô bé Bích tật nguyền lăn lóc với bà nội đã già… Hàng ngày, bà nội phải tha đứa cháu còn ẵm ngửa đi ăn xin, ăn mày hết nơi này sang nơi khác. Đến năm 1993, vì không thể nuôi nổi Bích, bất đắc dĩ bà nội phải gửi cô bé vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi (nay là Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh)...
Vào Trung tâm, Bích nhận được tình yêu thương và sự chăm sóc ân cần của những người mà chị luôn coi là mẹ. Họ đã vận động các tổ chức từ thiện tài trợ để phẫu thuật cho Bích những mong con mình có thể đi lại được. Cũng may, sau một thời gian, hai tay Bích phục hồi, nhưng hai chân vẫn không khá hơn. Hàng ngày, các mẹ lại thay nhau động viên an ủi, khích lệ cô bé tập đi bằng đôi chân tập tễnh…
Tuy bị tật nguyền nhưng Bích lại là một cô bé rất thông minh, ham học và học rất giỏi. Cô được các mẹ ở Trung tâm ai cũng yêu quý. Năm 1994, có hai vợ chồng người Canada đến Trung tâm. Họ gặp Bích, biết được hoàn cảnh và nghị lực của cô bé, họ đã ngỏ ý muốn nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, ở thời điểm ấy, việc cho và nhận con nuôi còn ít phổ biến và thủ tục cũng rất phiền hà. Các mẹ ở Trung tâm dù không muốn xa con, nhưng lại mong Bích có cuộc sống đầy đủ hơn bên những người có điều kiện kinh tế tốt nên đã tạo mọi điều kiện để giúp hai vợ chồng nọ làm thủ tục. Trong bức thư gửi nhà chức trách Canada, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thời điểm đó, đã viết về Bích: “Cháu Bích không còn có mối liên hệ nào với các thành viên trong gia đình. Chúng tôi và bản thân cháu mong muốn Chính phủ Canada hãy vì mục đích nhân đạo, cho phép cháu được nhận bố mẹ nuôi để cháu có một gia đình thực sự, cháu được sống trong tình yêu thương mà từ trước đến nay cháu đang chịu thiệt thòi...”.
Các cán bộ ở Trung tâm kể lại: Năm ấy, Bích chỉ mới 12 tuổi nhưng cô bé đã có những suy nghĩ “già trước tuổi”. Bích tỏ ra rất phân vân. Cô bé nửa muốn đi, nhưng nửa lại thương bà nội… “Từ khi con vào Trung tâm đến nay là hơn một năm, được các mẹ nuôi dạy và chữa bệnh cho. Con có được ngày hôm nay là cũng nhờ các mẹ. Con không biết nói thế nào để các mẹ hiểu lòng con. Nay có một người Canada rất thương con, muốn nhận con làm con nuôi. Con cũng muốn đi để bà nội của con và các mẹ đỡ khổ...” - Trong lá đơn của mình, với nét chữ run run, Bích đã trải lòng như thế…
Cuối cùng, nhờ sự động viên của các cán bộ Trung tâm, bé Bích đã lên đường. Tuy nhiên, cô rất lo cho bà nội mình nay đã yếu hơn. Từ phương trời xa xôi, Bích viết thư về cho mẹ Hà: “Mẹ Hà ạ, con không biết nói thế nào bây giờ, con chỉ biết cầu xin mẹ, rằng mẹ hãy cố bớt chút thời gian để quan tâm đến bà của con. Con đi, con biết rằng bà ở nhà rất buồn nhưng con không làm gì được để an ủi bà con…”.
Vẫn khao khát trở về “mái ấm tuổi thơ”...
Sang Canada, cô bé Bích ở với cha mẹ nuôi tại Montreal, thành phố lớn nhất của bang Quebec, nơi có thời tiết mùa đông rét mướt. Nhưng cũng ở đây, Bích đã nhận được tình yêu thương đầm ấm của bố mẹ nuôi. Bé Bích được đến trường, được học piano và thổi sáo mỗi ngày. “Con được học tiếng Pháp nữa. Con mong mỏi được trở về Việt Nam thăm các mẹ và các anh chị ở Trung tâm” - Bích viết thư về khoe với các mẹ. Với Bích, Canada lúc ấy thật mới mẻ, lạ lẫm. Nhưng rồi, nhờ tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ nuôi, Bích cũng thích nghi nhanh với thời tiết và nhịp sống ở phía bên kia bán cầu. Mùa đông năm nọ, chị viết thư về, kể với mẹ Hà: “Mẹ ơi! Noel ở đây cực kỳ lạnh, tuyết rơi đầy thành phố. Có chỗ tuyết đóng băng lại dày đến 15cm. Nhưng chúng con lại thấy ấm áp trong tình yêu thương”...
Vì quá nhớ quê nên mỗi lần đi học về, cô bé lại chạy thật nhanh đến hộp thư trước cửa, háo hức xem có thư của các mẹ gửi sang không. Nhận được thư là lại rưng rưng khóc, nước mắt thấm ướt cả trang giấy gửi từ quê nhà. Trong niềm hạnh phúc bên gia đình mới, bé Bích vẫn không nguôi nỗi nhớ Trung tâm: “Con ở bên này rất hạnh phúc. Mỗi lần đi học về là con đều mong những lá thư của các mẹ… Con nhớ Trung tâm, nhớ các mẹ lắm! Con cứ mang những tấm ảnh chụp với các mẹ ra xem mãi thôi”.
Và đặc biệt, trong tâm trí Bích, chưa bao giờ cô yên tâm về người bà của mình. Cô viết thư về thăm bà, nhưng bà đã quá già chẳng thể viết thư cho cháu. Bích lại càng lo lắng. Cô đã nhờ các mẹ ở Trung tâm để mắt quan tâm đến bà. Những ngày ấy, Bích khao khát được trở về. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, kể: “Còn nhớ, có lần Bích gửi thư về, viết rằng: “Đã ba năm trôi qua, vậy mà con không có điều kiện về thăm các mẹ. Con xin các mẹ hãy tin rằng con sẽ không bao giờ quên nơi con đã sống, đã nhận được tình yêu thương…”. Những lúc nhớ nhà, nhớ quê, cô chỉ biết lao vào học tập. Và không phụ lòng mong mỏi của những người yêu thương, cô đã học rất giỏi. Lúc căng thẳng nhất, cô lại nhớ về những người mẹ của mình, coi đó như một niềm an ủi động viên để vượt qua mọi khó khăn. “Các mẹ kính yêu. Trong những ngày tháng vừa qua, con thấy mình rất bận rộn. Nhiều khi con cứ nghĩ cuộc sống của con là một vòng quay vô tận. Con chạy mãi, đuổi mãi mà không kịp thời gian… Nhưng giờ thì khác rồi. Con đã sắp được vào đại học. Con muốn được học khoa Tâm lý học…” - Trong thư, Bích kể về sự cố gắng tận dụng thời gian của mình. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Bích lại tiếp tục học cao học ở TP Montreal. Hiện giờ, cô đã lập gia đình với một anh bác sĩ có hoàn cảnh gần giống với cô. Nghe nói, hai người sống rất hạnh phúc...
Bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm cho biết, những trường hợp như Bích luôn là tấm gương sáng được các cán bộ của Trung tâm mang ra kể để các con noi theo. Ngoài Bích, trong số các con đã trưởng thành có người đã trở thành giáo viên, quay về làm việc cùng các mẹ, giúp đỡ những em nhỏ như mình ngày xưa. Chính những con người này là bài học sinh động và hiệu quả nhất mà Trung tâm hay sử dụng để giáo dục các em. Anh Tạ Trọng Đức, giáo viên Đoàn - Đội, vốn là một trẻ mồ côi trưởng thành từ Trung tâm, là người coi Bích như một “thần tượng”. Đức tâm sự với tôi: “-Ngay từ hồi còn bé ở Trung tâm, nghe các mẹ kể, mình đã rất khâm phục chị Bích rồi. Mới đây, mình còn biết chị đã tốt nghiệp Thạc sĩ và có một gia đình đầm ấm. Thỉnh thoảng chị Bích vẫn liên lạc với mình. Hai chị em cùng động viên nhau rất nhiều trong cuộc sống”...
Thay lời kết
Tôi đến tổ 6, khu 1 (phường Hà Khánh) những mong được gặp cụ Nguyễn Thị Đức, bà nội của chị Bích. Nhưng khi tôi vừa chạm ngõ nhà cụ thì một người hàng xóm nhanh nhảu bảo: “-Cháu đến chậm mất rồi. Bà cụ đã đi năm kia rồi. Chính cô cũng đã đến đọc kinh vãng vong cho cụ. Cụ đi nhanh thật đấy, chẳng ốm đau gì”. Nghe nói, từ khi Bích vào Trung tâm rồi đi nước ngoài, cụ sống lủi thủi một thân một mình. Vài năm trước đây, cụ đã đỡ khổ hơn vì Bích thường xuyên về thăm và chu cấp tiền nuôi bà, sửa sang nhà cửa... Một người đứng bên tặc lưỡi, bảo: “-Giờ bà cụ mất rồi, chẳng còn ai thân thích ở đây nữa, chắc cô ấy sẽ quên Hạ Long thôi!”. Tôi im lặng không nói gì, nhưng trong lòng vẫn tin một ngày nào đó Bích sẽ lại về thăm quê hương, bởi ở đây cô vẫn còn các mẹ, vẫn còn “mái ấm tuổi thơ” của mình là Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cơ mà!
Huỳnh Đăng