![]() |
Với mục tiêu ghi nhận, khuyến khích và động viên những người tham gia phong trào hiến máu tình nguyện, một trong những hoạt động xã hội đẹp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, năm 2004 tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14-6 hàng năm làm ngày “Tôn vinh người hiến máu tình nguyện”. Nhân dịp này, PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Quang Huân, Bí thư Chi đoàn khu 2A, phường Cao Thắng (TP Hạ Long), chàng trai đã 25 lần hiến máu tình nguyện...
- Từ năm 2004 đến nay anh đã 25 lần hiến máu nhân đạo, trong đó có 19 lần do Thành Đoàn, Tỉnh Đoàn, Hội Chữ thập đỏ phát động và 6 lần hiến máu trực tiếp cho người bệnh, giờ đây với anh, việc hiến máu chắc không còn bỡ ngỡ nữa. Nhưng với lần đầu tiên thì thế nào, anh có cảm thấy hồi hộp hay lo lắng gì không?
+ Mình cũng không nhớ rõ lắm nữa. Lần đầu tiên hình như là đợt hiến máu theo phong trào tình nguyện của Đoàn thanh niên phường Cao Thắng phát động vào năm 2004. Kể ra cũng hơi run và hồi hộp. Mặc dù không phải là người nhút nhát gì, nhưng cứ nghĩ người ta đang rút máu từ trong người mình ra, lại thấy hơi ghê ghê… Nhưng cái cảm giác ấy chỉ trong chốc lát thôi. Lúc hiến máu xong, mình tự đi xe máy về bình thường, không thấy “bị sốc” gì cả!
- Thời điểm ấy anh đã giữ chức Bí thư Chi đoàn chưa?
+ Ồ, chưa đâu! Mình xuất ngũ về địa phương năm 2003, năm 2004, khi Đoàn phường phát động thì đăng ký tham gia hiến máu thôi! Nói thật, ban đầu đi hiến máu mình phải giấu gia đình đấy…
- Vậy ư? Vì sao ạ?
+ À, là vì “các cụ” lo mình hiến máu thì sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ… Thậm chí, sau khi phát hiện mình “lén” đi hiến máu, bố mẹ mình đã cấm thẳng thừng, không cho phép “tái diễn” nữa!
- Vậy anh đã nói thế nào để các cụ chấp nhận?
+ Nói thế nào ấy à, đó là cả một quá trình khá chật vật đấy! Mình đã phải mang các tờ rơi kêu gọi, khuyến khích và tôn vinh hoạt động hiến máu về để giải thích cho mọi người hiểu, rằng hiến máu là một hoạt động cao đẹp, thể hiện tính nhân văn của con người… Nhưng quan trọng hơn, mình đã tìm mọi cách để cho “các cụ” hiểu là việc hiến máu không làm suy giảm sức khoẻ… Vậy mà cũng phải 2 năm sau, đến năm 2006, gia đình mình mới hiểu và đồng ý để mình đi hiến máu. Không những thế, bây giờ “các cụ” còn động viên mình nữa đấy.
- Anh đã từng 6 lần hiến máu trực tiếp để cứu người. Lần nào trong số đó khiến anh nhớ nhất?
+ Mình nhớ nhất hai lần đi hiến máu sống ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một lần là vụ tai nạn xe khách đâm vào xe công ten nơ khiến 11 người bị thương tại khu vực Đèo Bụt (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) và một lần khác là trường hợp một cô giáo bị ô tô đâm trọng thương… Mình nhớ hôm ấy mình đang đi làm thì nhận được điện thoại của một người bạn kể về trường hợp của cô giáo. Cô bị đa chấn thương, mất máu nhiều… Biết mình thường xuyên tham gia các hoạt động hiến máu nên bạn gọi cho mình để nhờ giúp đỡ. Sau này nghe mọi người nói nhờ có 250CC máu của mình mà đã giúp cô qua được cơn nguy hiểm. Hiện tại, cô đã hoàn toàn bình phục và trở lại cuộc sống như trước. Thỉnh thoảng mình cũng điện thoại thăm hỏi và động viên cô…
- Là người đã từng hiến máu rất nhiều lần, anh nghĩ thế nào về hoạt động hiến máu nhân đạo hiện nay?
+ Mình thấy nó có ý nghĩa thật sự to lớn. Bởi những giọt máu của mình có thể đem lại chiến thắng cho những người đang phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giúp họ vượt qua cơn nguy kịch cũng như đem niềm vui tới cho người thân, bạn bè của họ. Cảm giác giúp được người khác khi hiến máu, mà đặc biệt là hiến máu sống, là cảm giác rất hạnh phúc và tuyệt vời. Và mình nghĩ mình sẽ còn tiếp tục hiến máu đến khi nào sức khoẻ không cho phép nữa mới thôi…
- Là một cán bộ Đoàn, ngoài phong trào hiến máu nhân đạo, anh còn tham gia những hoạt động gì khác của tuổi trẻ?
+ Có thể nói là mình tham gia tất cả mọi hoạt động của tuổi trẻ tại địa phương! Bây giờ đang là Bí thư Chi đoàn khu phố thì không phải bàn, nhưng hồi còn là lính, mình đã cảm thấy thích tham gia vào các phong trào của thanh niên. Từ sau khi xuất ngũ năm 2003, mình thường xuyên có mặt trong các hoạt động Thanh niên tình nguyện; đến năm 2006 thì đi học nghề ở Trường Hồng Cẩm, trong suốt thời học, mình vẫn tham gia đều các hoạt động Đoàn. Ngoài tham gia vào các câu lạc bộ tuổi trẻ của phường, của thành phố v.v.. mình còn tham gia vào đội “Thanh niên tình nguyện bảo tồn di sản thế giới Vịnh Hạ Long”; tham gia trồng rừng ngập mặn tại phường Hà Phong, Hùng Thắng, Tuần Châu; đi giao lưu với các bạn trẻ ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Mỹ Sơn v.v.. để học tập và giao lưu kỹ năng bảo tồn di sản v.v.. và v.v.. Những hoạt động tình nguyện như vậy lúc nào cũng làm mình thấy hưng phấn, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn…
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh có nhiều niềm vui trong cuộc sống!
Hoàng Anh