Thứ tư, 30/04/2025, 0:37 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

“Nâng hạng” các đô thị: Lời giải không chỉ từ nguồn lực

Quảng Ninh đang được đánh giá là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hoá cao so trong cả nước. Hiện nay nhiều địa phương trong tỉnh đang rất tích cực trong lộ trình “nâng hạng” cho đô thị của địa phương mình. Tuy nhiên, để đảm bảo các tiêu chí phải hoàn thành, đạt được mục tiêu nâng cấp đô thị đòi hỏi rất nhiều yếu tố phải hoàn thành.



Theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, trên địa bàn toàn tỉnh có các địa phương thuộc chương trình nâng loại đô thị gồm 4 TP là Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả và 5 thị trấn là Đông Triều, Mạo Khê (Đông Triều), Trới (Hoành Bồ), Tiên Yên, Cô Tô. Riêng trong năm 2013 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và các chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh, dự kiến nâng cấp TP Hạ Long từ loại II lên loại I; TP Uông Bí từ loại III lên đô thị loại II. Các địa phương nâng cấp lên đô thị loại IV là: Thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) và thị trấn Tiên Yên. Đồng thời thành lập mới thị trấn Hoành Mô (Bình Liêu).

Dù rằng về chủ trương, các địa phương đề xuất xây dựng Đề án nâng cấp (nâng loại) đô thị phù hợp với Nghị quyết toàn khoá của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Các đề án công nhận đô thị, nâng cấp đô thị đã được triển khai phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Sở Xây dựng một số đô thị dù trong lộ trình được nâng loại nhưng còn nhiều tiêu chí thấp, nhất là tiêu chí cơ sở hạ tầng, kiến trúc cảnh quan, môi trường... Một số đô thị đã được công nhận, nâng cấp nhưng vẫn cần phải tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trả nợ cho những tiêu chí chưa đạt điểm tối đa. Bên cạnh đó, do nguồn vốn đầu tư cho việc nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng đô thị còn hạn chế, hầu hết các địa phương trong lộ trình nâng hạng đô thị đều chưa phát huy được nguồn vốn xã hội hoá trong công tác đầu tư, phát triển đô thị như xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, nghĩa trang đô thị, các công trình hạ tầng khác… Điển hình như đối với thị trấn Quảng Hà (Hải Hà), với tổng số điểm tính lại đạt 58/100, chưa đáp ứng quy định tối thiểu (70/100 điểm) để công nhận đô thị loại IV. Hiện nay trong 6 tiêu chuẩn thị đô thị này có 5 tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối đa, gồm chức năng đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số, hệ thống công trình hạ tầng đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong số 49 chỉ tiêu có 23 chỉ tiêu đạt điểm tối đa và 8 chỉ tiêu đạt điểm tối thiểu; 18 chỉ tiêu không đạt (đạt 0 điểm). Đối với thị trấn Đông Triều, theo kết quả huyện tự đánh giá, chấm điểm đạt 84,6 điểm, vượt điểm quy định tối thiểu để công nhận đô thị loại IV, huyện có 32 chỉ tiêu đạt và vượt mức tối đa của tiêu chuẩn quy định; 14 chỉ tiêu đạt trên mức tối thiểu nhưng cần phấn đấu để đạt tối đa; 2 chỉ tiêu chưa đạt tối thiểu cần phấn đấu khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Được nâng loại đô thị việc địa phương nào cũng muốn nhưng vấn đề cốt lõi không phải là hạng đô thị mà là chất lượng đô thị, mức sống của người dân trong đô thị như thế nào? Thông tư số 34/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc nâng cấp đô thị bao gồm 6 tiêu chuẩn: Chức năng đô thị đạt tối đa 15 điểm; quy mô dân số toàn đô thị 10 điểm; mật độ dân số đô thị 5 điểm; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 5 điểm; hệ thống công trình hạ tầng đô thị 55 điểm; kiến trúc, cảnh quan đô thị 10 điểm và 49 tiêu chí. Tổng số điểm của 6 tiêu chuẩn phải đạt tối thiểu 70/100, không tính ngoại suy khi vượt quá mức quy định tối đa và tính điểm 0 cho các chỉ tiêu không đạt mức quy định tối thiểu. Điển hình như TP Hạ Long căn cứ theo Thông tư này đủ tiêu chuẩn để được công nhận là đô thị loại I với số điểm là 89,68/100,00 (vượt điểm quy định tối thiểu 70/100). Tuy nhiên, xét về các chỉ tiêu cứng đô thị này vẫn còn các chỉ tiêu chưa đạt điểm tối đa cần phấn đấu đầu tư hoàn thiện theo quy định như tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; số lượng nhà tang lễ, tỷ lệ thu gom chất thải rắn; quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị; khu đô thị mới kiểu mẫu; tuyến phố văn minh... Đó là chưa kể rất nhiều tiêu chí “mềm” mà địa phương này cần phải cố gắng rất nhiều. Để giải được bài toán về nguồn lực cho việc nâng loại đô thị các địa phương cần phát huy các nguồn lực trên cơ sở vận dụng các chính sách, khuyến khích huy động các nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức xã hội đóng góp cho việc xây dựng hạ tầng đô thị như đầu tư xây dựng dự án nghĩa trang, nhà tang lễ, nhà máy xử lý chất thải rắn… Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng của đô thị, mức sống của người dân trong đô thị có như vậy việc được nâng loại đô thị mới thực sự có ý nghĩa.

Ngọc Lan