Mô hình nuôi gà siêu trứng ở xã Đồn Đạc (Ba Chẽ) được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, với mục đích tạo ra hướng chăn nuôi mới giúp các hộ nghèo mau chóng xoá được nghèo. Ban đầu mô hình được thí điểm ở 8 hộ gia đình và 3 trường học trên địa bàn xã. Các hộ dân và các đơn vị chăn nuôi được hỗ trợ 70% tiền vốn ban đầu (gồm: tiền làm chuồng; 150 con gà giống và gần 1 tấn thức ăn công nghiệp/hộ, đơn vị). Thời gian đầu do được hỗ trợ, người chăn nuôi chỉ phải bỏ ra ít vốn, gà được chăn nuôi đúng kỹ thuật và đẻ nhiều trứng, trung bình 150 con gà đẻ ra 100 quả trứng/ngày, với giá bán 2.500 đồng/quả. Như vậy, mỗi hộ chăn nuôi sẽ thu về khoảng 250.000 đồng/ ngày. Từ hiệu quả này, mô hình đã được nhân rộng ra 11 hộ trong xã.
Thế nhưng chỉ có điều, sau khi gà ăn hết phần thức ăn được hỗ trợ thì các hộ nông dân bắt đầu kêu trời, vì “tính đi thì lãi tính lại thì lỗ”. Anh Triệu A Tài, là hộ nghèo thôn Làng Cổng than thở: “Trứng gà bán với giá 2.500 đồng/quả. Nếu tự mua cám công nghiệp thì lỗ nặng. Bởi giá thức ăn cho gà hiện nay là 13.500 đồng/kg, trong khi mỗi con gà ăn hết khoảng 3 lạng thức ăn công nghiệp tương đương với khoảng 4.000 đồng/ngày và cứ trung bình 3 ngày chúng đẻ được 2 quả trứng”. Theo như phản ánh của anh Tài thì người chăn nuôi sẽ phải chi khoảng 6.000 đồng tiền thức ăn để chỉ thu được 2.500 đồng. Mà giờ nhiều hộ nuôi gà siêu trứng thì trứng đâu có dễ bán, nhất là thị trường tiêu thụ vẫn chỉ quẩn quanh trong xã. Anh Tài than thở thêm: “Hiện gia đình tôi vẫn còn tồn hơn 700 quả trứng gà chưa bán được”.
Vậy là nuôi gà và cho gà ăn đúng kỹ thuật thì lỗ nên các hộ chỉ còn cách “vận dụng” kỹ thuật, nghĩa là tận dụng các thức ăn của địa phương như ngô, khoai, sắn để cho gà ăn. Hệ quả là gà siêu trứng đã giảm đáng kể số trứng sinh sản, chẳng khác gì gà địa phương. Anh Tài cho biết thêm: “Hiện nay, đàn gà nhà tôi chỉ đẻ được khoảng 30 quả trứng/ngày. Tuy thế nhưng lại có lãi, bởi thức ăn nhà làm ra được”. Cũng như anh Tài, hầu hết các hộ nuôi gà siêu trứng ở Đồn Đạc đều phải “thuần chủng hoá” đàn gà, vì theo họ, “thế còn hơn ôm cái lỗ vào người”.
Quả thật, với thực tế hiện nay, khi người nông dân chưa phát triển được thị trường tiêu thụ trứng và nhất là chưa tìm được nguồn thức ăn công nghiệp rẻ hơn để giảm chi phí thì việc “thuần chủng hoá” đàn gà, giúp chúng “sinh đẻ có kế hoạch” sẽ hiệu quả hơn. Nhưng liệu rằng, việc “thuần chủng hoá” này có chắc sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng trứng và chất lượng đàn gà?
Anh Vũ