Cô Tô là quần đảo gồm khoảng 40 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 46,2km2. Huyện hiện có 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn 3 đơn vị hành chính: Thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân. Những ngày đầu hè, khi cái nắng vừa kịp khởi màu vàng ruộm, cầu cảng Cô Tô đã tấp nập người dân, khách du lịch.
Mới đặt chân lên cầu cảng, chúng tôi đã dễ dàng nhận ra nụ cười đầy phấn khởi của ngư dân trên những con tàu vừa cập bến với đầy cá, mực, sứa. “Năm nay Cô Tô được mùa hải sản anh ạ. Cứ thế này rồi sẽ ấm no”, bà Nguyễn Thị Khoan, khu 2, thị trấn Cô Tô chia sẻ. Bà Khoan kể: Gia đình bà từ Thái Bình ra đây lập nghiệp đến nay đã được 5 năm. Mới qua 5 năm mà Cô Tô bây giờ đã đổi thay nhiều lắm. Đời sống của bà con nhân dân đã được cải thiện về nhiều mặt. Nhất là khi Cô Tô đang phát triển ngày càng mạnh về du lịch và chuẩn bị đón niềm vui có điện lưới quốc gia ra đảo.
![]() |
Tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nhặt rác, làm sạch bãi biển Cô Tô trong chuyến “hành trình về nguồn” tại Cô Tô, ngày 19-5-2013. Ảnh: NGHĨA HIẾU |
Quả thực, không khó để hình dung ra niềm vui của bà con nơi huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc khi không lâu nữa, huyện đảo sẽ có điện lưới quốc gia thông qua hệ thống cáp ngầm vượt biển. Tuy chưa có điện lưới quốc gia nhưng hiện nay, Cô Tô đã là huyện đảo sở hữu nhiều cái “nhất”: 100% các hộ dân trên huyện đảo có đầu thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số, 100% trẻ mầm non được hỗ trợ bữa ăn trưa ở trường; huyện đầu tiên của cả nước có wifi miễn phí phủ sóng toàn đảo... Dù vẫn còn là một huyện nghèo, nhưng những năm qua, Cô Tô đã có nhiều chính sách an sinh xã hội, trong đó cốt lõi là đầu tư cho con người, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho huyện đảo được đặc biệt coi trọng. Năm 2012, huyện vận động trên 50 cán bộ đi học đại học, 20 cán bộ theo học văn bằng 2 và 6 cán bộ học thạc sĩ; hỗ trợ 80% kinh phí cho người dân của huyện tham gia các khoá học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung). Các trường học trên đảo đều từng bước được kiên cố hoá; học sinh ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT đều ra lớp đầy đủ, chất lượng giáo dục được đảm bảo. Đến đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo ở Cô Tô chỉ còn gần 3%.
Đồng chí Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Cuối năm 2012 vừa qua, công trình đê chắn sóng và cầu cảng mới của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên đảo Cô Tô đã hoàn thành. Khi trung tâm dịch vụ được đưa vào sử dụng, Cô Tô sẽ có các nhà máy chế biến hải sản, nhà máy cung cấp dịch vụ cho nghề cá của cả khu vực, tiền đề để đảo phát triển vững mạnh. Cô Tô đang bừng sáng như một hòn ngọc giữa biển khơi và trở thành một pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
![]() |
Trường học, lớp học tại huyện đảo Cô Tô từng bước được kiên cố hoá. Trong ảnh: Lớp học của Trường Tiểu học Đồng Tiến, xã Đồng Tiến. |
Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện uỷ, song song với nhiệm vụ phát triển KT-XH, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trên huyện đảo Cô Tô luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong bảo vệ Tổ quốc. Huyện đã thành lập và kiện toàn Hội đồng giáo dục QP-AN, tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành và LLVT địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị, đường lối quan điểm của Đảng về nhiệm vụ QP-AN nhằm không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống “Diễn biến hoà bình” và âm mưu bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Đội ngũ cán bộ của Cô Tô đã được trang bị những kiến thức cần thiết, nhất là trình độ quản lý nhà nước, năng lực chỉ huy về lĩnh vực quân sự để có thể vận dụng vào thực tiễn; chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Người dân trên đảo đã tự ý thức được vai trò của công dân nơi đầu sóng ngọn gió, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Cô Tô đang phấn đấu xây dựng hình ảnh “Mỗi người dân trên huyện đảo sẽ là một chiến sĩ biên phòng”. Đây chính là một trong những yếu tố để củng cố hơn nữa lòng quyết tâm và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân trên huyện đảo Cô Tô. Hiện nay, lực lượng DQTV của Cô Tô được xây dựng với số lượng đảm bảo theo quy định, được biên chế thành các tiểu đội ở cấp thôn, trung đội ở cấp xã và tiểu đoàn ở cấp huyện. Ở các khối cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, thôn, xóm trên địa bàn đều có tổ dân quân chiến đấu trị an. Người dân Cô Tô đến nay vẫn nhắc nhau câu nói của Bác Hồ khi Người đến thăm đảo: “...Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”. Người dân đảo nhớ lời Bác, học Bác đức thương người như thể thương thân. Có lẽ khó ở đâu được như ở Cô Tô khi ngư dân có “Ngày biển” - ngày góp tiền giúp đỡ tàu bị nạn và các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; các hoạt động trên bến dưới thuyền diễn ra trật tự; người dân buôn bán tại chợ cá đều tự giác nộp thuế đầy đủ, thực hiện văn minh thương mại. Buổi tối, ở thị trấn Cô Tô, đi ngủ không cần khoá cửa; xe máy để ngoài sân không lo mất cắp. Mọi người thường bảo ban nhau, trên đảo sống với nhau quý ở cái tình, có ăn ở không bạc với người thì biển mới không bạc với mình.
Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về điện, nước, giao thông, nhưng Cô Tô, nơi duy nhất Bác Hồ đồng ý cho dựng tượng đài của mình khi Người còn sống đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về QP-AN, cùng những điều kiện tuyệt vời được thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch, dịch vụ, Cô Tô đang ngày càng vững chắc với vị trí “Trụ biển vùng Đông Bắc”, “viên ngọc xanh” của Quảng Ninh.
Minh Hà