Các BS đã cảnh báo, đột quỵ tại VN đang ngày càng trẻ hoá và hậu quả để lại quá nặng nề...
Chưa đến 3 tuổi đã bị đột quỵ
Anh N.H.C (20 tuổi, trú tại Long An) cao lớn và không có tiền sử bệnh huyết áp, tim mạch. Mới đây, khi ngủ dậy, anh C thấy nhức đầu dữ dội, choáng váng kèm theo nôn ói và hôn mê. Được đưa đến cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương, các BS đã xác định C bị nhồi máu não dẫn đến đột quỵ.
![]() |
Cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất khi bị đột quỵ. |
Tương tự trường hợp của C, mới đây, BV 115 tiếp nhận ba trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi dưới 30, trong đó anh Nguyễn Minh T (20 tuổi) nhập viện trong tình trạng không cử động chân tay, liệt nửa người bên phải. Qua chẩn đoán, các BS nhận định anh bị nhồi máu não bán cầu phải. Mẹ của T cho biết, trong lúc đi vệ sinh, thấy anh ngã khuỵu xuống nên vội vàng đưa đi cấp cứu...
Chị Lê Thị M, 25 tuổi, ở Thủ Đức, sức khỏe bình thường nhưng sau một đêm ngủ dậy thì thấy hoa mắt, nửa người bên trái không cử động được...
Đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu cũng vừa ra đi ở tuổi 37 do bị đột quỵ. Theo gia đình đạo diễn này, do áp lực công việc nên lịch sinh hoạt thất thường dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể và đột quỵ, khi phát hiện thì đã quá muộn.
Những trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ như đã nêu trên hiện không còn hiếm. Ghi nhận tại một số BV có chuyên khoa tai biến mạch máu não, đột quỵ ở TPHCM như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Nhân Dân 115, Gia Định, Nguyễn Tri Phương..., số ca đột quỵ nhập viện điều trị đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo các BS, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không chừa một ai. Đột quỵ có thể tấn công từ người trẻ tuổi cho đến người nghèo, lao động trí óc đến chân tay. Thậm chí, tại BV Đại học Y-Dược, BV Nhi Đồng 1, 2 ở TPHCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi mới 3 tuần tuổi đến 3 tuổi cũng mắc chứng bệnh này.
100.000 trường hợp tử vong mỗi năm
Theo Hội Phòng, chống tai biến mạch máu não VN, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch máu não và đây là bệnh của hệ thần kinh phổ biến với tần suất xuất hiện 1,5 ca/1.000 người/năm, tần suất này ở lứa tuổi trên 75 là 10 ca/1.000 người/năm. Riêng tại TPHCM, trong khoảng 19.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, có 1.000 trường hợp tử vong.
BS Trần Chí Cường - Trưởng khoa Can thiệp mạch máu BV Đại học Y-Dược TPHCM - cho biết, hiện nay đột quỵ là “sát thủ” giết người có tỉ lệ tử vong đứng thứ ba sau ung thư và tim mạch. Bệnh này xảy ra do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Nhóm bệnh nhân nhồi máu não chiếm 80% do nghẽn hoặc hẹp mạch máu não. Theo BS Nguyễn Huy Thắng - khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân Dân 115 - nếu khoảng 10 năm trước chỉ có khoảng 1,7% số bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ thì nay con số này là 3%, trong đó tỉ lệ nam mắc cao gấp 4 lần nữ. Hiện mỗi ngày, khoa này có khoảng 140-160 bệnh nhân điều trị tai biến mạch máu não.
Còn tại BV Nguyễn Trãi, theo ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Nga (phòng Kế hoạch tổng hợp), số người trẻ bị đột quỵ vào viện cũng tăng với tỉ lệ 20-30% so với vài năm trước đây...
Thực tế đã có nhiều trường hợp đột quỵ được đưa vào cấp cứu, dù BS nỗ lực cứu chữa nhưng cơ hội sống rất mong manh, thường di chứng của nó trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Theo các chuyên gia y tế, khoảng 1/3 số trường hợp đột quỵ sẽ bị trở lại trong vòng 5 năm, trong khi khoảng 30% người sống sót qua đột quỵ phải cần người chăm sóc và 50% không thể làm bất cứ việc gì sau khi ngã bệnh. Vì vậy, cách phòng ngừa là phải kiểm soát, tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt ở những người bị cao huyết áp, hút thuốc lá, bệnh tim mạch, nghiện rượu, béo phì, đái tháo đường, sử dụng thuốc ngừa thai.
Các chuyên gia cho biết, thời khắc sống sót của bệnh nhân đột quỵ phụ thuộc vào “thời gian vàng” chuyển đi cấp cứu, xử trí khẩn cấp. Trong những trường hợp đột quỵ chỉ cần cấp cứu sớm trong 10 - 15 phút thì cơ hội sống của bệnh nhân sẽ tăng thêm 30%. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay VN đang thiếu những trung tâm đột quỵ - đóng vai trò như những trung tâm chuyên khoa điều trị căn bệnh này - nên nhiều người mất cơ hội được cứu sống.
Theo Lao động