Thứ ba, 29/04/2025, 20:18 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Áp dụng công nghệ mới trong làm đường giao thông nông thôn

Hiện nay hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của Quảng Ninh có 4.575km đường trục xã liên xã, trục thôn xóm, đường ngõ xóm (trong đó trục xã, liên xã là 1.287km; trục thôn, xóm là 1.555km) và 926,2km trục chính nội đồng. Trong 5 năm trở lại đây, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh huy động, lồng ghép được 2.798 tỷ đồng để xây dựng GTNT (trong đó ngân sách tỉnh 1.711 tỷ đồng, ngân sách huyện 680 tỷ đồng, trung ương hỗ trợ 152 tỷ đồng) bằng nguồn kinh phí trên, các địa phương trong toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp 1.200km đường các loại (trong đó xây dựng mới 396km; sửa chữa nâng cấp 804km) xây dựng 11 cầu bê tông cốt thép với chiều dài là 438m; 10 chiếc cầu treo với tổng chiều dài 920m; 8 tràn các loại dài 300m… Qua đó xây dựng hệ thống GTNT có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nhất là từ năm 2011 đến nay khi Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên toàn tỉnh.

Thi công mặt đường giao thông bằng vật liệu Carboncor Asphalt tại xã Tiền An (Quảng Yên).
Thi công mặt đường giao thông bằng vật liệu Carboncor Asphalt tại xã Tiền An (Quảng Yên).

Với mục tiêu đến năm 2015, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, đường liên thôn được cứng hoá đạt chuẩn. Để đạt được mục tiêu này, song hành cùng các giải pháp như tăng cường năng lực quản lý GTNT từ tỉnh đến địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực thì một giải pháp quan trọng đang được tỉnh thí điểm triển khai đó sử dụng vật liệu sẵn có tại các địa phương, chú trọng sử dụng vật liệu mới, ứng dụng các công nghệ mới với điều kiện cụ thể của từng vùng để phát triển GTNT. Cụ thể hoá giải pháp này, tỉnh đã giao cho Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh thực hiện dự án nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm công nghệ trong xây dựng đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn khoa học công nghệ. Cuối năm 2012, Ban đã tiến hành thí điểm triển khai tại 3 địa phương (Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên) với tổng chiều dài 7,2km với 2 công nghệ chính được áp dụng là dùng chất phụ gia (HRB) trộn đất tại chỗ làm móng đường (thí điểm thôn Đồng Mộc xã Đông Ngũ, Tiên Yên) và công nghệ sử dụng tro bay gia cố đất tại chỗ làm móng, mặt đường phủ bằng vữa nhựa nhũ tương phân tích chậm (xã Tiền An, Quảng Yên và Hồng Thái Tây, Đông Triều). Mới đây nhất UBND tỉnh giao cho Sở GT-VT chủ trì phối hợp với các địa phương (Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên) cùng Công ty CP Carbon Việt Nam thí điểm thi công mặt đường bằng vật liệu Carboncor Asphalt. Đây là sản phẩm công nghệ mới, thân thiện với môi trường, thi công đơn giản, nước được sử dụng như là chất dính bám, không phụ thuộc vào máy móc, thiết bị thi công; có thể sử dụng nhân công tại địa phương. Sau khi lu lèn xong bề mặt đường có thể sử dụng ngay; chiều dày thi công tối thiểu là 1cm, tối đa 3cm. Thi công mặt đường bằng Công nghệ mới Carboncor Asphalt sẽ tiết kiệm từ 10 đến 30% kinh phí so với vật liệu thông thường.

Ông Hoàng Đình Sáu, Phó Trưởng Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Các công nghệ mới mà Ban đang triển khai thí điểm, sau khi thi công xong tuyến đường đã chịu tác động của phương tiện đi lại cho thấy cơ bản tốt. Không những thế áp dụng công nghệ mới giá thành rẻ hơn so với làm đường bê tông từ 20-40%, nhất là đối với các thôn bản vùng sâu, vùng xa bởi lớp móng đường hoàn toàn là lấy đất tại chỗ. Tuy nhiên, lớp phủ mặt đường bằng vữa nhũ tương (công nghệ tro bay) thi công khó bởi vật liệu tương đối khó tính chất lượng nhà cung cấp không ổn định, thi công phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thời gian đăng kết lâu. Chính vì vậy, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng phủ mặt đường bằng vật liệu Carboncor Asphalt với chiều dày 1,5cm có giá thành tương đương. Sau đó sẽ tổng kết đánh giá để có thể áp dụng đại trà”.

Có thể thấy, việc tích cực triển khai các giải pháp, công nghệ mới nhằm hoàn thiện hệ thống GTNT sẽ tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn đi lại thuận tiện và tiết kiệm chi phí .

Thái Cảnh