Thứ tư, 30/04/2025, 0:45 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Bài 10: Những năm khó khăn 1980-1981 và phương châm "4 chế độ - 5 công khai"

Sau chiến tranh biên giới 1979-1980, cũng như tình hình chung cả nước, Quảng Ninh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là đẩy mạnh sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển để xây dựng tỉnh thành một đơn vị chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (diễn ra vào trung tuần tháng 5-1980) nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ trong hai năm 1980-1981 là: “Phải thấu suốt đường lối, chủ trương của Đảng, ra sức đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm và ổn định đời sống; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và trong xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng; đồng thời tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho những năm sau”.

Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI cũng đã đặt ra những mục tiêu nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng v.v.. Đặc biệt, Đại hội nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh việc thực hiện quyền làm chủ tập thể XHCN của nhân dân lao động trên cơ sở đảm bảo “4 chế độ” (chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân) trong các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường và “5 công khai” (công khai thu chi, công khai công điểm, công khai hàng hoá, công khai các quỹ và công khai kho tàng) trong các HTX...

Nhìn lại thực tiễn khó khăn do thiên tai và hậu quả chiến tranh để lại trong những năm 1981-1982, có thể thấy phương châm “4 chế độ” và “5 công khai” đã góp phần rất quan trọng, tích cực trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết VI của Đảng bộ tỉnh. Với “4 chế độ”, việc chấn chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, ổn định sản xuất, ổn định tư tưởng v.v.. ở các cơ quan, xí nghiệp, các công, nông, lâm trường đã dần đi vào nề nếp; còn ở các HTX, với “5 công khai”, vai trò giám sát của xã viên trong quản lý hoạt động sản xuất, phân phối v.v. được đề cao, phát huy tác dụng...Nói cách khác, phương châm “4 chế độ” và “5 công khai” là biện pháp hữu hiệu để phát huy quyền làm chủ của người lao động. Và trong điều kiện cơ chế quản lý bao cấp đang được áp dụng vào thời điểm những năm này thì “4 chế độ” và “5 công khai” chính là nhân tố nhằm hạn chế những mặt tiêu cực của nó, tạo điều kiện để phát huy tính dân chủ  trong các cơ quan, đơn vị, HTX v.v.. Từ đó, đã góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao sức mạnh của các tổ chức Đảng ở cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước;việc đấu tranh phê bình trong tổ chức Đảng cũng như ở các cơ quan, đơn vị v.v.. đã có chuyển biến theo hướng tích cực; tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở một số nơi được giải quyết dứt điểm, ổn thỏa... Đây là cơ sở rất quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn này.

Hoàng Long
Bài 1: Chuyện Bác Hồ đặt tên cho tỉnh
Bài 2: Náo nức những ngày hợp nhất
Bài 3: Đài Truyền thanh Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh ra đời
Bài 4: Quảng Ninh - Những lần đón Bác về thăm
Bài 5: Quảng Ninh và phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”
Bài 6: Âm vang chiến thắng trận đầu 5-8-1964
Bài 7: 1.500 ngày đêm và những con số đáng nhớ
Bài 8: Ngọc Vừng - Chiến công toả sáng