Theo báo cáo của Ban Xây dựng Nông thôn mới, sau 10 tháng triển khai Quyết định 2009/QĐ-UBND, kết quả thực hiện đạt rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Cụ thể, tính đến ngày 6-6-2013 tổng số hồ sơ tiếp nhận là 150 hồ sơ với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ có 9 hồ sơ đã thẩm định và được hỗ trợ lãi suất; 33 hồ sơ đã thẩm định đề nghị bổ sung để hoàn thiện; còn lại là các hồ sơ không đủ điều kiện hoặc đang trong quá trình thẩm định.
![]() |
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp. |
Hiện đã có 10 ngân hàng tham gia chương trình này. Tuy nhiên mới chỉ có Ngân hàng NN&PTNT có phát sinh vay phát triển sản xuất kinh doanh.
Nguyên nhân tỷ lệ vay vốn hỗ trợ đạt thấp là do: Các địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện chính sách; công tác tuyên truyền về chính sách đến các đối tượng còn nhiều hạn chế; mức độ hiểu biết về chính sách của cán bộ chưa sâu, vận dụng chính sách còn máy móc...
Theo đánh giá của Ban Xây dựng nông thôn mới, nội dung chính sách cũng có những bất cập nhất định như: Hạn mức hỗ trợ lãi suất định mức tối thiểu cao, chưa phù hợp với nhiều đối tượng có nhu cầu; nội dung được hỗ trợ còn hạn chế; số lượng ngân hàng tham gia còn ít so với thực tế...
Tại cuộc họp, đại diện khối ngân hàng, các địa phương, doanh nghiệp đã tham gia ý kiến đề xuất với tỉnh các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 2009.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh bổ sung thêm các loại hình cho vay hỗ trợ lãi suất ngân hàng nằm trong quyết định như: Hoạt động dịch vụ cho nông- lâm- ngư nghiệp; nuôi trồng vật nuôi, cây trồng…
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi tới người dân thông qua nhiều kênh thông tin từ tỉnh đến địa phương.
Xây dựng cán bộ chuyên trách tại địa phương đảm nhiệm công tác. Khối ngân hàng cần tích cực phối hợp với địa phương thông tin thường xuyên, định kỳ các nội dung liên quan đến các món vay, lãi suất vay…
Đồng chí nhấn mạnh, để chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đi vào cuộc sống, các đơn vị chức năng, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa; bám sát những khó khăn trong quá trình triển khai; kịp thời báo cáo những vướng mắc nhằm giải quyết hồ sơ nhanh nhất cho người vay vốn.
Hồng Nhung