Cùng với sự phát triển vượt bậc của đời sống hiện đại và nhu cầu tìm kiếm, cập nhật thông tin một cách liên tục của bạn đọc, thị trường báo in nói chung đã cho ra đời hàng chục đến hàng trăm đầu báo, tạp chí. Mỗi một tờ báo lại tìm hiểu, khai thác chuyên sâu ở những vấn đề, khía cạnh cũng như mảng đề tài khác nhau, như tài chính, bất động sản, công nghệ, thời trang, làm đẹp, du lịch, nghệ thuật, đời sống… Điều này làm cho thị trường báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và mới mẻ, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt trong nội bộ báo in, cộng thêm là sự phát triển ồ ạt của các kênh thông tin từ báo điện tử, báo mạng và truyền hình, khiến cho các sạp báo luôn rơi vào tình trạng “cung” vượt “cầu”, ế ẩm, khó tiêu thụ. Hầu hết các cửa hàng tạp hoá, ki ốt bưu điện v.v.. có bày bán báo và tạp chí đều rất vắng vẻ, hiu hắt. Lượng người đến mua báo hàng ngày ở những sạp báo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Điểu, nhân viên bán hàng ở ki ốt bưu điện số 21 (TP Hạ Long) than thở: “Ngày xưa, người lui tới hỏi báo nọ, báo kia còn nhiều, chứ như mấy năm nay thì hoạ hoằn lắm mỗi ngày cũng chỉ được 2-3 khách, có đông cũng chỉ 4-5 khách là cùng. Khách đến hỏi mua báo tại quầy chúng tôi thường chỉ là các em học sinh tìm mua báo dành cho tuổi trẻ học đường hay các bác cao tuổi hỏi mua các báo chuyên ngành Công an, Pháp luật v.v.. mà thôi”.
![]() |
Nhiều cơ quan, đơn vị v.v.. thường tổ chức đọc báo Đảng vào đầu giờ làm việc mỗi ngày. (Ảnh: Một buổi đọc báo Đảng đầu giờ làm việc ở UBND xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên). |
Vào một ngày cuối tuần đầu tháng 6-2013, chúng tôi đến quầy bán báo của Trung tâm bưu điện tỉnh, là một trong số những sạp báo lớn nhất, nhì tỉnh. Tại đây có khoảng hơn 80 đầu báo, tạp chí, với số lượng khoảng 500-600 tờ báo các loại. Thế nhưng, quầy báo này cũng không hề khá hơn so với các ki ốt bán lẻ là bao. Nữ nhân viên bán hàng không nén nổi tiếng thở dài, chia sẻ: “Trước đây, quầy bán báo luôn là khu vực đông vui, tấp nập nhất ở Bưu điện trung tâm thành phố này, đặc biệt là ngày cuối tuần. Cứ hễ đến thứ bảy, chủ nhật thì lượng người đến mua báo lại tăng lên gấp 2-3, thậm chí là 4 lần, so với các ngày khác. Nhưng bây giờ thì khác rồi, ngày nào cũng vắng khách… Những tờ báo trước kia là mặt hàng “đinh” của quầy, như báo Công an nhân dân, Phụ nữ Việt Nam v.v.. thì nay lại rất khó bán. Thậm chí, một số ít tờ báo được nhiều người quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại, như tờ Tri thức trẻ, Hạnh phúc gia đình, An ninh Thủ đô… cũng chỉ bán được 4-5 tờ/ngày”.
Với đặc thù của mình, các báo Đảng, như tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, báo Quảng Ninh… thường rất ít bán lẻ tại quầy mà chủ yếu tiêu thụ qua các cơ quan nhà nước, đơn vị doanh nghiệp v.v.. Thế nhưng, việc phát hành báo Đảng cũng không hề dễ. Bà Lý Thị Chuyển, Trưởng Phòng nghiệp vụ phát hành báo chí của Bưu điện tỉnh, cho biết: “Ngoại trừ lượng báo thuộc diện chi theo ngân sách nhà nước được giữ ổn định, lượng báo Đảng đặt theo nhu cầu thời gian gần đây giảm khá mạnh. Ấy là chưa kể, các tờ báo Đảng bán tại các điểm bán lẻ thì còn khó hơn. Bình quân mỗi ngày, các điểm bán lẻ chỉ bày bán từ 2-3 tờ báo Đảng nhưng cũng có nhiều hôm không bán hết…”.
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, sản lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng giai đoạn từ năm 2008-2012 đều giảm dần theo từng năm. Nếu như năm 2008, tổng sản lượng báo Đảng phát hành là 5.762.356 tờ thì đến năm 2012 con số này giảm xuống chỉ còn 4.836.886 tờ...
Mạc Nhiên