Thứ ba, 29/04/2025, 20:34 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Báo động tình trạng đuối nước ở trẻ em

Mới đầu mùa hè nhưng tình trạng đuối nước đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh. Những băn khoăn này là hoàn toàn có căn cứ khi mà thực tế, thời gian gần đây, tình hình học sinh tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngay như ở Quảng Ninh, trong tháng 5-2013, đã có 3 trường hợp học sinh bị tai nạn đuối nước

Dạy trẻ học bơi là một trong những giải pháp hữu ích phòng chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Lớp học bơi của trẻ em huyện Tiên Yên.
Dạy trẻ học bơi là một trong những giải pháp hữu ích phòng chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Lớp học bơi của trẻ em huyện Tiên Yên.

Nỗi đau để lại

Mặc dù đã qua gần nửa tháng nhưng cái chết thương tâm của Đinh Tiến Quang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) vẫn làm nhói lòng người dân thị trấn Ba Chẽ. Anh Nguyễn Ngọc Sang, Bí thư Chi bộ khu 4, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) bùi ngùi kể lại: “Sự việc xảy ra vào khoảng 12 rưỡi ngày 25-5-2013. Hôm đó cháu Quang đi bắt rạm cùng các bạn, không may trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi. Mặc dù, các lực lượng cứu hộ của thị trấn cùng gia đình cháu đã khẩn trương tìm kiếm, nhưng do mấy hôm trước mưa nhiều, nước sông lên cao và chảy xiết, cản trở công tác tìm kiếm. Vì thế, phải sau 2 ngày tìm kiếm tích cực, các lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể của cháu”. Cũng theo anh Sang, Quang là đứa trẻ hiếu động nhưng rất ngoan, nghe lời bố mẹ, thầy cô. Cho đến bây giờ, bố mẹ của Quang vẫn chưa thể nguôi ngoai sau cái chết của con.

Sau cái chết của Quang, nhiều người dân ở Ba Chẽ  rất lo lắng khi mà thời điểm này đang là mùa rạm. Ngày nào cũng có gần chục người đi vớt rạm trên sông Ba Chẽ. Người lớn có, trẻ em cũng có. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không có bất cứ trang bị bảo hộ  nào. Vì thế tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cũng trong buổi sáng ngày 25-5, một học sinh lớp 4 ở thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) khi đi xe đạp qua cầu ngầm tại khu 7, đoạn qua sông Ba Chẽ cũng vô tình ngã và bị nước cuốn trôi. May mắn là ngay lúc ấy, học sinh này đã được người dân ở khu vực chợ thị trấn nhìn thấy, kịp thời cứu giúp và đưa đến bệnh viện nên em đã thoát nạn.

Cần “phòng” hơn “chống”...

Đinh Tiến Quang là một trong 3 trường hợp bị tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 5-2013. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, còn 2 trường hợp nữa bị tử vong do tai nạn đuối nước là trường hợp một học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Quảng Điền (huyện Hải Hà) và một học sinh lớp 12, Trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Móng Cái).

Thực tế từ nhiều năm nay, công tác phòng, chống đuối nước trong học sinh, sinh viên đã được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước chưa cao. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình. Và quan trọng hơn là nhiều em chưa được trang bị những kỹ năng phòng, chống đuối nước. Hiện nay, không chỉ ở đô thị mà cả ở nông thôn, miền núi, các em đều rất thiếu chỗ vui chơi nên đã thường rủ nhau ra ao, hồ, sông, suối để chơi, tắm hoặc bắt cua, bắt cá; trong khi đó, nhiều em lại không biết bơi...

Năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có chỉ đạo yêu cầu và khuyến khích các trường đưa môn bơi vào dạy trong các trường tiểu học. Theo đó, tháng 9-2012, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thí điểm dạy bơi trong một số cụm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có trường tiểu học nào trên địa bàn được đầu tư bể bơi. Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ huynh, ở khu đô thị, nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng bể bơi, mở các lớp dạy bơi, nhưng cũng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu học bơi của trẻ. Anh Đỗ Văn Hà, TP Hạ Long nói: “Tôi cũng muốn cho con đi học bơi lắm nhưng sợ các bể bơi không được đảm bảo an toàn, vệ sinh…”. Còn ở vùng nông thôn, miền núi, cũng đã có những lớp dạy bơi cho thanh, thiếu niên trong hè nhưng chưa nhiều và cũng không mấy phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện cho con tham gia.

Có thể thấy rằng, việc phòng, chống đuối nước cho trẻ, đặc biệt trong dịp hè là rất cần thiết. Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của từng địa phương.

Lan Anh