Thứ ba, 29/04/2025, 20:26 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bái Tử Long

Vườn quốc gia Bái Tử Long thuộc huyện Vân Đồn, là một khu bảo tồn sinh quyển cấp quốc gia tại khu vực Vịnh Bái Tử Long. Nơi đây sở hữu những cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo và hấp dẫn với những giá trị về đa dạng sinh học cần được quan tâm gìn giữ và bảo tồn.

Vườn quốc gia Bái Tử Long (VQGBTL) có tổng diện tích 15.783ha, trong đó có diện tích rừng, đất rừng là 6.125ha và 9.650ha diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước. Trong đó khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn (xã Minh Châu) là vùng lõi của vườn quốc gia. Với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm đảo đất và đảo đá vôi xen kẽ nhau, tạo cho VQGBTL một cảnh quan vô cùng đặc sắc, hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, VQGBTL hội tụ đủ 3 hệ sinh thái cơ bản, đó là rừng trên cạn, đất ngập nước và biển với diện tích đủ lớn cho các khu, hệ động thực vật rừng - biển sinh sôi và phát triển. Hệ sinh thái rừng với diện tích trên 6.000ha bao gồm các quần thể động, thực vật hình thành và phát triển trên đảo đá vôi và đảo đất. Hệ sinh thái rừng trên đảo đá vôi có nhiều yếu tố đặc sắc, bao gồm nhiều loài thực vật chịu hạn với các quần thể thực vật ưu thế thuộc họ dâu tằm, các quần thể phất dụ núi đá chịu hạn, các loài tuế núi đá có khả năng phân bố trong những điều kiện sinh thái cực kỳ khắc nghiệt, ngay cả trên những vách núi dựng đứng.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Bái Tử Long - nơi cung cấp thức ăn cho nhiều loại hải sản.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Vườn quốc gia Bái Tử Long - nơi cung cấp thức ăn cho nhiều loại hải sản.

Có thể nói hiếm thấy nơi nào có giá trị đa dạng sinh học như VQGBTL. Theo thống kê của Ban Quản lý VQGBTL hiện tổng số loài quý hiếm nơi đây lên tới 102 loài, trong đó có 72 loài động vật và 30 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Tiêu biểu về thực vật có lát hoa, gội nếp, lá khôi; về động vật có bồ câu nâu, khỉ vàng, báo lửa, nai, rái cá, rùa hộp ba gạch, tắc kè, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn hổ mang. Động vật biển có cá heo trắng Trung Hoa, cá Ông Chuông, tu hài, trai ngọc, bào ngư, sá sùng và đặc biệt là 2 loài rùa biển (vích và đồi mồi).

Cùng với đó, VQGBTL còn có hệ sinh thái đất ngập nước với diện tích 1.000ha, bao gồm rừng ngập mặn, bãi triều cát, bãi triều đá và thảm cỏ biển là nguồn cung cấp thức ăn cho nhiều loài hải sản, đồng thời là nơi cư trú, bãi đẻ của các loài tôm, cá... và cũng là nơi kiếm ăn của nhiều loại động vật, kể cả các loài chim di cư và nhiều loài côn trùng khác. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây với cảnh quan hấp dẫn, đặc sắc, đa dạng sinh học cao đã và đang thu hút hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu như vụng Cái Quýt, vụng Lỗ Hố, vụng Soi Nhụ, thung áng Cái Đé, thung áng Cái Lim. Riêng thảm cỏ biển phân bố trên diện tích 10ha rải rác tại các khu vực có đáy dạng bùn cát như Chương Di, sông Mang, vụng Lỗ Hố, vụng Cái Đé, vụng Trà Thần. Hệ sinh thái bãi triều cát và bãi triều đá là nơi sinh sống của các loài sinh vật biển, mà nổi bật nhất là ngành nhuyễn thể, tạo cho vùng đất Vân Đồn rất nhiều sản vật đặc trưng hấp dẫn du khách. San hô ở Bái Tử Long chỉ chiếm diện tích nhỏ, là những rạn diềm chân đảo song vẫn giữ nguyên vai trò một hệ sinh thái chủ đạo, có vai trò rất quan trọng đối với các nguồn lợi thuỷ sản nói chung. Vì đây chính là nơi cư trú, đẻ trứng, ẩn náu, kiếm mồi cho nhiều loài hải sản.

Với những giá trị về đa dạng sinh học, VQGBTL thực sự là kho báu vô giá của quốc gia. Thời gian qua công tác bảo vệ các nguồn tài nguyên trong Vườn quốc gia luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ Ban Quản lý VQGBTL trong việc phát triển bền vững của rừng. Trong năm 2012, Ban Quản lý đã tổ chức tuyên truyền về bảo tồn cho 300 người dân có các hoạt động về khai thác, nuôi trồng thuỷ sản trong Vườn Quốc gia và hướng dẫn họ thực hiện ký các cam kết về bảo vệ môi trường. Tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu môi trường sinh thái Vịnh Bái Tử Long” và “Bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng” cho các đối tượng là cán bộ viên chức, học sinh các trường phổ thông trên địa bàn huyện Vân Đồn, Cô Tô. Phối hợp với mạng lưới tổ chức Marine Gifts, mab Việt Nam, Cát Bà BR, tổ chức tuyên truyền giáo dục môi trường có sự tham gia của cộng đồng cho người dân tại xã Minh Châu. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần nâng cao một bước nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cán bộ lãnh đạo các cấp, cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, còn rất nhiều khó khăn thách thức. Một số đối tượng là người địa phương thuộc các xã vùng đệm vẫn lợi dụng việc làm ăn trên các luồng lạch giao thông trong khu vực để xâm hại đến tài nguyên rừng, biển trong Vườn Quốc gia. Bên cạnh đó, do địa bàn trải rộng, phức tạp, trong khi đó lực lượng bảo vệ chuyên trách lại mỏng, phương tiện giao thông vừa thiếu nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy những giá trị về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc bảo tồn thật tốt các giá trị đa dạng sinh học để đạt mục tiêu đề nghị Chính phủ cho phép chuyển từ khu bảo tồn rừng sang nằm trong hệ thống các khu bảo tồn biển của Việt Nam.

Hiểu Trân