![]() |
Công nhân trồng cây trên bãi thải ở mỏ than Núi Béo. (Ảnh minh họa Internet) |
Cùng với việc hoàn thiện ĐTM, các đơn vị sản xuất - kinh doanh than đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình khai thác, chế biến, kinh doanh than. Trong đó, công tác quan trắc môi trường và báo cáo định kỳ, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường được thực hiện nghiêm túc. Kết quả cho thấy, hầu hết các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Bên cạnh đó, Vinacomin và các đơn vị sản xuất - kinh doanh than trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 32 trạm xử lý nước thải cho các đơn vị trong ngành (năm 2012 đã hoàn thành và đưa vào vận hành thêm 6 trạm), góp phần cải thiện chất lượng các nguồn nước. Hiện nay toàn Tập đoàn có 25 trạm đang xây dựng và còn 19 khu vực khai thác hầm lò và lộ thiên chưa xây dựng trạm xử lý nước thải cũng sẽ được đầu tư trong thời gian tới. Song song với đó, Vinacomin còn đặt ra những kế hoạch cụ thể ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như: Đối với các mỏ, cần tăng cường hệ thống bơm thoát nước mỏ tại các mỏ (lộ thiên và hầm lò) bằng bơm có công suất lớn và sức đẩy cao. Đồng thời Tập đoàn cũng chủ động quy hoạch lại các cảng than theo hướng bỏ bớt các cảng than nhỏ, lẻ mà tập trung xây dựng một số cảng lớn, tập trung và hiện đại. Cho đến năm 2020, toàn bộ các cảng không chứa than trên bề mặt cảng mà xây dựng các silo chứa kín, trừ kho than của Công ty Tuyển than Cửa Ông. Chấm dứt vận chuyển than bằng ô tô mà thay thế bằng băng tải, kể cả băng tải ống. Trong quy hoạch và phát triển, Tập đoàn xác định cần chấm dứt xây dựng các trạm sàng than tại cảng, thay thế bằng các nhà máy tuyển quy mô và dịch dời sâu vào trong nội địa, gần mỏ, trên các vùng có địa hình cao. Còn đối với các bãi thải thiết kế mới, chấm dứt công nghệ đổ bãi thải cao mà thay thế bằng công nghệ đổ thải phân lớp, phục hồi môi trường và phủ thảm thực vật ngay trong quá trình đổ thải cho các phân tầng dưới trong khi đổ thải phân tầng trên để ngăn chặn nguy cơ trượt lở bãi thải, giảm tác động trực tiếp của dòng nước mặt lên sườn bãi thải. Đối với các bãi thải mới, thiết kế giảm góc dốc sườn bãi thải nếu có thể. Khó khăn nhất hiện nay của Tập đoàn là địa bàn sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản tập trung ở vùng núi cao, ven biển và đồng bằng, thêm vào đó, một số vùng nguyên liệu và sản xuất phân bố trên các vùng có địa hình cao (sườn núi, núi) nên rất dễ bị tác động bởi trượt lở đất đá, lũ quét do mưa to, dài ngày. Các tác động này khi bị gia tăng bởi mưa lũ cũng tác động tàn phá cảnh quan các mỏ khoáng sản, gây khó khăn cho công tác điều tra, đánh giá, thăm dò và khai thác khoáng sản, và làm ô nhiễm môi trường.
Thực tế thời gian qua đã có không ít điểm mỏ quan trọng bị thiên nhiên tàn phá, vùi lấp làm thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp. Điển hình như năm 2007, mưa lũ lớn đã làm tràn đất thải tại Khe Rè của Công ty CP Than Cọc Sáu. Một lượng đất thải lớn đã bị tràn ra và theo suối chảy ra Cửa Ông, phải khắc phục mất nhiều công sức, tiền của… Do vậy, trong những năm tới đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình trồng rừng lấy gỗ trụ mỏ và tăng độ che phủ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục chương trình phủ xanh và trồng rừng trên các bãi thải mỏ đã được cải tạo. Để giảm thiểu phát thải khí CO2 trong các nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn đang xem xét hợp tác với nước ngoài áp dụng công nghệ tách khí CO2 để nuôi tảo biển, sản xuất thực phẩm chức năng. Trong tương lai xa hơn, Tập đoàn có định hướng sử dụng các mặt bằng bãi thải mỏ đã cải tạo tại vùng Quảng Ninh làm các địa điểm sản xuất điện mặt trời hoặc phong điện. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân, người lao động trong toàn Tập đoàn về công tác này, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường.
Hùng Hải (CTV)