Ông Đào Văn Thuân, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Tân An, chủ tàu cá mang số đăng ký QN 90183TS cho biết: Gia đình tôi có tàu khai thác thuỷ sản công suất 130CV, trước đây khi bến neo đậu của thị xã chưa được đầu tư xây dựng, tàu nhà tôi thường phải neo đậu ở Cái Rồng (Vân Đồn). Từ đấy tôi phải nhờ người trông giữ tàu hộ để đi xe khách về nhà ở phường Tân An. Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ đánh bắt thuỷ sản ở trong phường đều phải làm như vậy, rất bất tiện. Nhất là khi có mưa bão chúng tôi rất lo lắng về điểm tránh trú cho tàu. Từ khi bến neo đậu này được đầu tư rất thuận tiện cho chúng tôi sau mỗi chuyến đi khơi dài ngày về có điểm để đỗ tàu nghỉ ngơi, sửa chữa máy móc, ngư lưới cụ, trao đổi mua bán các vật tư cần thiết cho những chuyến ra khơi tiếp theo.
![]() |
Các phương tiện đánh bắt thuỷ sản của TX Quảng Yên tập trung tại bến neo đậu Tân An chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ảnh: Thuỳ Dương (CTV) |
So với các địa phương trong toàn tỉnh thì TX Quảng Yên là địa phương có số lượng phương tiện hoạt động nghề cá đông, ngư trường hoạt động xa. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây do không có được khu neo đậu tàu thuyền cho các phương tiện khai thác thuỷ sản trên địa bàn nên hầu hết các hộ ngư dân của Quảng Yên sau những chuyến vươn khơi bám biển dài ngày không thể đưa tàu thuyền về địa bàn neo đậu mà phải tránh trú nhờ ở các địa phương khác. Sự bất tiện này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất của người dân mà còn gây tâm lý bất an và khó khăn cho địa phương trong việc quản lý phương tiện khai thác thuỷ sản trên địa bàn nhất là trong mùa mưa bão.
Sau khi tiến hành nghiên cứu khảo sát nhận thấy bến cá Tân An là địa điểm rất thuận lợi để đầu tư xây dựng khu neo đậu cho tàu thuyền của địa phương, TX Quảng Yên đã lập dự án đầu tư và được UBND tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư năm 2006 với tổng kinh phí trên 34 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục chính: Bến cá; luồng chạy tàu và khu vực đậu tàu; hệ thống điều hành, quản lý dự án; các hạng mục dịch vụ nghề cá từ nguồn vốn của Trung ương và vốn ngân sách tỉnh. Khu neo đậu này được xây dựng thành một hệ thống, trên cơ sở lợi dụng tối đa điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần các ngư trường, vùng biển có tần suất bão cao, phù hợp với tập quán của ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, đồng thời có khả năng kết hợp với việc cung cấp dịch vụ cho tàu cá, nâng cao hiệu quả sử dụng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1, đầu tư hạng mục bến cá với tổng kinh phí được phê duyệt trên 12,1 tỷ đồng; giai đoạn 2 đầu tư các hạng mục nạo vét luồng tàu, khu vực đậu tàu, phao neo tàu, cầu tàu. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ thực hiện của dự án đạt khoảng 85% khối lượng.
Đồng chí Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: Bến cá Tân An là nơi thường xuyên có 150-170 các loại tàu thuyền ra vào bến để cung cấp các loại thuỷ, hải sản và lấy nguyên, nhiên liệu để phục vụ cho việc khai thác thuỷ sản xa bờ. Dù dự án mới xong giai đoạn 1 nhưng bước đầu đã phát huy tốt cho các phương tiện tập trung về để tránh trú bão. Theo thống kê từ năm 2010-2012 có khoảng từ 200-300 tàu, thuyền các loại về bến để neo đậu tránh bão khi có bão lớn. Các loại hình dịch vụ đã được tự hình thành để mua bán thuỷ sản và cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ thuận lợi cho các tàu thuyền ra vào bến. Vị trí xây dựng bến rất thuận lợi, vừa là khu tập trung nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản của thị xã, giao thông thuận tiện, bến bãi rộng lại xa khu vực dân cư và được bao bọc bởi các dãy núi đá có khả năng che chắn gió bão tốt, hệ thống phao neo được thiết kế chắc chắn, an toàn, hệ thống luồng, lạch rộng, tàu thuyền ra vào thuận tiện. Dự kiến, khi dự án được xây dựng xong sẽ có khoảng từ 400-500 tàu thuyền các loại tập trung về tránh trú bão.
Có lẽ điều vui mừng nhất với những ngư dân Quảng Yên đó là khi dự án hoàn thành họ sẽ có được bến đỗ an toàn sau những chuyến vươn khơi bám biển dài ngày. Từ đây khẳng định hiệu quả đầu tư trúng địa điểm, đúng thời điểm của nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đảo.
Ngọc Lan