Năm 2009, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới” với gần 600 đơn vị xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp… tham gia.
Đến năm 2012, tỉnh tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ cuộc thi “Tìm hiểu chính sách pháp luật bình đẳng giới” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát động với gần 26.000 bài dự thi. Các tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới cũng được các ngành, địa phương cấp phát rộng rãi… Nhiều địa phương còn xây dựng mô hình, phong trào về bình đẳng giới như: Mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình trên cơ sở giới; mô hình nhóm tư vấn cộng đồng; mô hình dạy nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ nhiễm HIV; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” v.v..
![]() |
Tổ tín dụng tiết kiệm của Hội Phụ nữ xã Tân Dân (Hoành Bồ) giúp chị em phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình. |
Không chỉ vậy, các ngành, đơn vị, địa phương còn rất quan tâm, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mấy năm gần đây, tỷ lệ cán bộ nữ được bố trí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể cũng tăng so với trước. Cụ thể như: Nữ cán bộ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, chiếm 14,5%; tham gia ban thường vụ các huyện, thị, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc tỉnh chiếm 10,04%; trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương chiếm khoảng 30,3%... Bên cạnh đó, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể trên địa bàn cũng có nhiều nội dung, chương trình tác động đến đời sống của phụ nữ, tăng thu nhập cho người lao động, trong đó có lao động nữ. Chẳng hạn như: Thông qua các hội chợ việc làm, trung tâm giới thiệu việc làm, từ năm 2010-2012, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động nữ dôi dư. Nhờ đó, mô hình kinh tế do phụ nữ đảm nhiệm cũng ngày càng nhiều hơn, uy tín chị em cũng được nâng cao hơn. Từ cuối năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế với 718 tổ, nhóm, thu hút hơn 10.800 phụ nữ tham gia.
Riêng trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, để tạo điều kiện cho bé trai, bé gái cùng có cơ hội đến trường, từ năm 2011, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non 5 tuổi có cha mẹ thường trú tại 53 xã vùng khó khăn tỉnh. Cùng với đó, việc đào tạo nghề cho lao động, kể cả nam và nữ đều được xem trọng. Từ năm 2010 đến 2012, toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 10.600 lao động; trong đó gần 8.400 người đã có việc làm. Trong số này, tỷ lệ nữ được đào tạo nghề chiếm 63,5%; lao động nữ có việc làm chiếm 78,4%. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhất là cán bộ nữ được đẩy mạnh hơn. Từ năm 2010 đến nay, số cán bộ, công chức, viên chức nữ được đào tạo chiếm khoảng 40%. Trong các cơ sở y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ người dân, nhất là với chị em phụ nữ được quan tâm dưới nhiều hình thức, từ việc phủ bác sĩ, y sĩ, nữ hộ sinh tại các trạm cho đến tăng cường vận động phụ nữ đến khám thai định kỳ, mở các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản v.v..
Đặc biệt, sự chuyển biến về bình đẳng giới trên địa bàn còn được thể hiện rõ hơn cả trong mỗi gia đình. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm qua, phụ nữ được tham gia vào hầu hết các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, có kinh tế độc lập, địa vị trong gia đình được nâng cao hơn. Ở gia đình khu vực nông thôn, miền núi, nữ giới đã rút ngắn được thời gian tham gia công việc của gia đình, có thời gian tham gia công việc chung của xóm của thôn, xóm…
Chính những cơ chế, chính sách của tỉnh và sự chủ động tích cực của các ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phụ nữ, của nam giới đối với gia đình và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện tỉnh đã xây dựng được hệ thống mạng lưới cộng tác viên xã hội với gần 1.900 người tham gia tại các thôn, bản, khu phố. Điều này sẽ giúp công tác bình đẳng giới trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu hơn, có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Thu Nguyệt