Thứ ba, 29/04/2025, 19:53 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Bình yên cho mỗi gia đình...

Trong số các gia đình được tuyên dương “Gia đình thợ mỏ tiêu biểu” của Quảng Ninh nhân dịp Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 năm nay có gia đình vợ chồng anh Châu Văn Long và chị Nguyễn Thanh Thuỷ ở tổ 105, khu 10A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Đây là một gia đình có truyền thống gắn với nghề mỏ; từ ông bà, cha mẹ đến các con cháu trưởng thành đều là thợ mỏ. Nhưng điều đặc biệt hơn so với các gia đình thợ mỏ khác là hiện cả 4 thế hệ trong gia đình anh chị đang sống chung dưới một mái nhà! Nói cách khác, đây là một gia đình còn giữ được nếp gia phong “tứ đại đồng đường” hiếm hoi trong thời đại ngày nay...

Nói như vậy không phải là để cổ suý cho hình mẫu gia đình nhiều thế hệ cùng sống chung với nhau; không có nghĩa một gia đình tiêu biểu thì cứ nhất thiết các thành viên trong gia đình đó, từ ông bà, cha mẹ đến con cháu... đều phải “ăn cơm một niêu, tiêu tiền một túi”... Thậm chí, nhìn ở một góc độ nào đó, chuyện “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường” thời xưa là tốt, là niềm tự hào của các gia đình có nền nếp gia phong, thì trong thời đại ngày nay, chưa chắc đã là hay, đã là phù hợp với điều kiện xã hội. Sự khác nhau trong tư duy, trong sinh hoạt, trong lối sống v.v.. giữa lớp già và lớp trẻ ngày nay có một khoảng cách lớn hơn nhiều so với trước đây. Và vì thế, dù muốn hay không thì “mâu thuẫn thế hệ” vẫn xảy ra khiến cho các thành viên trong gia đình, nhất là lớp trẻ, cảm thấy bị gò bó… Cho nên, không phải ngẫu nhiên, xu hướng hiện nay là sự “tách nhỏ” các gia đình; thậm chí đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các gia đình đơn thân v.v.. Đây là sự tất yếu, phù hợp xu thế thời đại, tạo điều kiện tự do phát triển (tất nhiên là theo hướng lành mạnh) cho mỗi cá nhân...

Nhưng dù là một thế hệ, hai thế hệ, hay ba, bốn thế hệ v.v.. cùng chung sống, thì mấu chốt để “giữ lửa” cho mỗi gia đình vẫn chính là tình yêu thương. Năm 2013 được Chính phủ quyết định chọn làm năm “Gia đình Việt Nam” với chủ đề “Gắn kết yêu thương” cũng là nhằm ý đó! Để có một ngôi nhà bình yên thì trước hết và quan trọng nhất phải là các thành viên sống trong ngôi nhà đó luôn biết cách gắn kết bằng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Nói điều này lại càng thấy gia đình “tứ đại đồng đường” của vợ chồng anh Châu Văn Long và chị Nguyễn Thanh Thuỷ đã nhắc đến ở đầu bài viết là rất đáng trân trọng, rất đáng kính nể... Bởi nếu không có tình yêu thương, không biết sống vì nhau thì làm sao một gia đình lớn, với hơn mười thành viên của bốn thế hệ, lại có thể tạo dựng được sự yên ấm, chan hoà trong đại gia đình mình?

Hiện nay, một thực tế đáng lo ngại là sự “lỏng lẻo” trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang ngày một lớn hơn! Sự “lỏng lẻo” ấy nếu nghiêm trọng có thể gây ra rạn nứt về tình cảm, thậm chí có thể là nguyên nhân của xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; nó làm cho ngôi nhà không còn bình yên, không còn là “tổ ấm” của mỗi người... Mà một khi các gia đình, vốn là những tế bào xã hội, không còn bình yên, thì không thể nói xã hội được tạo lập từ những tế bào ấy là bình yên được; điều này thì ai cũng biết!

Vậy nên muốn xã hội bình yên thì trước hết hãy tạo dựng sự bình yên cho mỗi gia đình! Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Trong thời đại ngày nay, lời dạy ấy của Bác càng thấm thía hơn với mỗi người, mỗi nhà và cả cộng đồng...

Trung Luận