Bám sát các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và định hướng chỉ đạo của BCH, BTV Hội LHPN tỉnh, các cấp hội đã triển khai sâu rộng Nghị quyết gắn với tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các đề án, kế hoạch phát triển của tỉnh... Cụ thể hoá Nghị quyết trong thực hiện chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, Hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu: Giảm tỷ lệ phụ nữ nghèo 2%/năm (theo chuẩn mới); đẩy mạnh hoạt động dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, đảm bảo 500 lao động nữ nông thôn được đào tạo mỗi năm...
![]() |
Mô hình trồng mướp của gia đình chị Đàm Thị Huế xã Tiền An (TX Quảng Yên) cho năng suất cao. |
Hội chú trọng hướng dẫn hội viên, phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực xây dựng và thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia các phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ… cho hội viên, phụ nữ. Hội LHPN tỉnh còn thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đã hỗ trợ nhiều hội viên, phụ nữ vay 2,7 tỷ đồng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Các cấp hội cũng phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho 43.442 lượt hội viên, phụ nữ vay 717 tỷ đồng; duy trì 2.596 tổ vay vốn tiết kiệm, thu hút gần 39.000 phụ nữ tham gia. Được tạo điều kiện, hội viên, phụ nữ đã phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, từng bước vượt khó, thực hiện tốt các phong trào thi đua, những chủ trương về phát triển nông nghiệp và kinh tế hộ gia đình… Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 20 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, chủ yếu là các mô hình vườn - ao - chuồng, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ…
Phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” được các cấp hội phụ nữ triển khai với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Nổi bật là Hội LHPN tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh thực hiện “Chương trình 101 cách thoát nghèo”, đã hỗ trợ 6 hộ phụ nữ nghèo về cây, con giống, kiến thức phát triển kinh tế, tổng trị giá 100 triệu đồng. Hội LHPN TP Hạ Long kết nghĩa với Hội LHPN huyện Ba Chẽ, trao 41 con lợn giống, trị giá gần 70 triệu đồng cho 13 hộ phụ nữ nghèo tại xã Lương Mông (Ba Chẽ); đến nay, hầu hết các hộ trên đã phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, từng bước nâng cao mức sống. Hội viên, phụ nữ các địa phương cũng đã tích cực giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng việc hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động, xây “Mái ấm tình thương”… Nhờ đó, hơn 2 năm qua đã có gần 1.600 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần cùng với tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Cùng với các hoạt động trên, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh còn tăng cường các hoạt động hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp tiếp cận với thông tin, vốn, thị trường, công nghệ, phát triển mạng lưới doanh nhân nữ. Hơn 2 năm qua, Hội đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của 17 CLB doanh nhân nữ; tổ chức 5 khoá tập huấn kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho 290 lượt nữ doanh nhân trong tỉnh. Các thành viên CLB Doanh nhân nữ tỉnh hỗ trợ xây dựng 3 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của hội viên, phụ nữ. Hàng năm, BTV Hội LHPN tỉnh giao chỉ tiêu, chỉ đạo các cấp hội khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ; đăng ký với phòng LĐ-TB&XH mỗi địa phương tổ chức ít nhất 1 lớp dạy nghề/năm cho lao động nông thôn bằng nguồn kinh phí của Đề án 1956. Trong các năm 2011-2012, các cấp hội phối hợp tổ chức được 31 lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đan móc len sợi, may công nghiệp, chế biến món ăn, trồng nấm cho 1.080 lao động nông thôn; trong đó lao động nữ chiếm 95% (vượt chỉ tiêu đề ra 2,6%). Trung tâm Dạy nghề của Hội LHPN tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm và giới thiệu việc làm cho học viên tham gia học nghề... Đến nay, 70% số học viên học nghề đã có việc làm với mức thu nhập ổn định từ 1,2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Hiện Trung tâm đang chú trọng giới thiệu đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ xây dựng và phát triển 6 điểm mô hình sản xuất nấm rơm, nấm linh chi tại các xã: Quảng La (Hoành Bồ), Đường Hoa (Hải Hà), Thanh Lâm (Ba Chẽ), Quảng An (Đầm Hà), Sông Khoai (Quảng Yên)...
Nguyễn Huế