Chị Lưu Thị Hương, khu 3, phường Hà Lầm (TP Hạ Long) chia sẻ: “Năm nay, nhà trường quán triệt không tổ chức dạy thêm, học thêm. Vợ chồng tôi thì đi làm cả ngày nên không thể để cháu ở nhà một mình được. Tôi nghe nói Cung Văn hoá thiếu nhi tỉnh đang tổ chức các lớp dạy năng khiếu cho trẻ. Công việc nhiều nên tôi phải tranh thủ đưa cháu đi đăng ký, sợ đăng ký muộn lại không có lớp học”.
![]() |
Lớp học múa ở Cung Văn hoá thiếu nhi tỉnh. |
Theo bà Hồ Mộng Lan, Giám đốc Cung Văn hoá thiếu nhi tỉnh, hiện nay, tại Cung Văn hoá thiếu nhi, rất đông các bậc phụ huynh đã đến đăng ký cho con em tham gia các lớp học năng khiếu trong dịp hè. Hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn đăng ký cho con em mình học vào ca sáng. Bởi vậy, ở một số bộ môn năng khiếu, Cung đã phải bố trí mở thêm lớp ở một số bộ môn như: Mỹ thuật, múa, khiêu vũ thể thao, đàn oóc-gan… Hiện lớp năng khiếu mỹ thuật có tới 4 lớp nhưng đều quá tải. Vì trung bình mỗi lớp năng khiếu chỉ có 30 học sinh, nhưng riêng các lớp học mỹ thuật phải đến gần 40 học sinh/lớp. Đến 31-5, Cung VHTN tỉnh đã mở được gần 60 lớp học với hơn 1.000 học sinh. Ngoài các môn năng khiếu như: Múa, mỹ thuật; võ thuật, bơi lội… Cung còn tổ chức thêm các lớp rèn luyện kỹ năng đọc hiểu nhanh, toán siêu tốc, tiếng Anh… Phí 2 tháng học năng khiếu hè là 300.00 đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế, mức sống của đại đa số các gia đình.
Ở thành thị đã vậy, miền núi “cung” và “cầu” còn vênh hơn nhiều. Anh Tạ Vĩnh Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Tiên Yên chia sẻ: “Nhiều người dân muốn cho con em mình học năng khiếu để trẻ phát huy được những khả năng của bản thân, nhưng do điều kiện vật chất, nguồn lực con người còn thiếu thốn, nên các lớp dạy năng khiếu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thanh thiếu nhi”. Giải quyết bài toán này, năm nay, ngành GD-ĐT tỉnh cũng đã chỉ đạo giáo viên trong độ tuổi đoàn viên, cư trú tại địa bàn tham gia sinh hoạt và hỗ trợ tổ chức sinh hoạt tại các điểm sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi. Nhận biết được, ở tuyến huyện, đội ngũ giáo viên, cộng tác viên dạy các lớp năng khiếu còn mỏng, Cung VHTN tỉnh cũng đã có kế hoạch chuyển giáo viên từ tỉnh về để hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trong một số bộ môn năng khiếu. Nhờ đó, hè năm 2013 này, Ban chỉ đạo hoạt động hè nhiều địa phương đã mạnh dạn chiêu sinh lớp học bơi, bồi dưỡng kỹ năng phòng tránh đuối nước... Bên cạnh đó, nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương tại các xã vùng cao, ở các địa phương cũng đã tổ chức mở được một số lớp: Thể thao dân tộc, hát Then, hát tiếng Dao, hát Soóng Cọ tại nhà văn hoá các xã Phong Dụ, Đại Thành, Hà Lâu, Đại Dực... đã tạo ra một sân chơi vô cùng bổ ích mang tính chất giáo dục cao cho thế hệ trẻ huyện nhà trong dịp hè 2013.
Các lớp năng khiếu là một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè, được coi là loại hình hoạt động mang tính giải trí, hiệu quả “Học mà chơi - chơi mà học” đối với học sinh sau khi kết thúc một năm học trong nhà trường. Chính vì vậy, “Các ngành trong Ban Chỉ đạo hoạt động hè cần tích cực thực hiện nhiệm vụ được phân công, phối hợp, tạo điều kiện trong việc mở các lớp năng khiếu hè. Tận dụng hết các điều kiện, cơ sở vật chất tại các cung, nhà thiếu nhi, sân vui chơi, các giáo viên bộ môn năng khiếu, các sinh viên tình nguyện trên địa bàn tỉnh để tổ chức tốt các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi trong dịp hè. Đặc biệt, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở chú trọng việc mở các lớp học tiếng Anh trong hè cho thanh thiếu nhi…” - Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.
Lưu Linh