Đã từ lâu, Cung Văn hoá thiếu nhi (VHTN) Quảng Ninh luôn là một địa chỉ tin cậy để các bậc phụ huynh trên địa bàn TP Hạ Long gửi gắm con em mình theo học các lớp năng khiếu trong mỗi dịp hè. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do số lượng thanh thiếu nhi (TTN) đăng ký quá đông, nên hiện các lớp học năng khiếu tại Cung VHTN đang có dấu hiệu quá tải. Cô Hồ Mộng Lan, Giám đốc Cung VHTN tỉnh cho biết: Cung VHTN tỉnh hiện có gần 60 lớp khai giảng, hoạt động từ đầu tháng 6, gồm các lớp năng khiếu, học bơi, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu nhanh, toán siêu tốc… với khoảng gần 1.500 học sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 7 này, hằng ngày vẫn có rất đông các bậc phụ huynh đến Cung với nhu cầu đăng ký cho con em tham gia các lớp học. Mặc dù, Cung VHTN đã phải bố trí mở thêm lớp ở một số bộ môn như: Mỹ thuật, múa, khiêu vũ thể thao…, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện lớp năng khiếu mỹ thuật có đến 4 lớp, nhưng luôn trong tình trạng quá tải, lớp nào cũng gần 40 em theo học (quy định chỉ 30 học sinh/lớp). Được biết, mỗi khoá học tại Cung VHTN tỉnh từ 15-40 buổi, học phí từ 300 nghìn - 1,2 triệu đồng/khoá tuỳ từng bộ môn.
Có mặt tại Cung VHTN tỉnh những ngày hè này, thấy việc quá tải các lớp học năng khiếu hè ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học của các em. Như tại lớp học múa, do số học sinh quá đông, nên ở một số động tác múa, các em bị vướng tay vào nhau; một nhóm học sinh phải ngồi chờ các học sinh khác thực hành xong mới đến lượt mình. Ngoài ra, việc bố trí lớp học múa và lớp học khiêu vũ thể thao cạnh nhau cũng xuất hiện nhiều bất cập. Do đặc thù môn học, lớp khiêu vũ thể thao cần phải bật nhạc to, nhưng phòng học lại không cách âm, nên lớp múa bên cạnh không nghe thấy tiếng giảng viên hô nhịp múa… Chị Lê Thanh Nhạn (tổ 9, khu 2A, phường Hồng Hải, TP Hạ Long), chia sẻ: “Tôi có 2 con nhỏ, cháu lớn học lớp 5, năm trước đã theo học bơi ở Cung VHTN tỉnh, năm nay cháu muốn học võ để rèn luyện sức khoẻ. Cháu bé học lớp 3, có ham thích học múa. Ngay từ đầu hè tôi đã đăng ký cho các cháu đến đây học, vừa tạo thời gian bổ ích cho các cháu, vừa giảm bớt lo toan về việc quản lý các cháu dịp hè. Nhưng càng ngày lớp múa càng tăng về số lượng học sinh, nên tôi cũng có chút lo lắng về chất lượng dạy và học, cũng như điều kiện quản lý các cháu...”.
Cũng tương tự như ở thành phố, ở những huyện miền núi, vùng xa, cung - cầu của các lớp học năng khiếu hè cho thiếu nhi cũng lệch nhau rất xa. Theo BCĐ hoạt động hè TTN huyện Bình Liêu, mỗi dịp hè về, nhiều bậc phụ huynh muốn cho con em mình học năng khiếu để trẻ phát huy được những khả năng của bản thân, nhưng do điều kiện vật chất, nguồn lực của huyện còn nhiều khó khăn, nên các lớp dạy năng khiếu vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Giải quyết tình thế, năm nay Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo tới các giáo viên là đoàn viên cư trú tại địa bàn tham gia sinh hoạt và hỗ trợ tổ chức sinh hoạt tại các điểm sinh hoạt hè dành cho thiếu nhi. Nhận thấy rõ ở tuyến huyện, xã đội ngũ giáo viên, cộng tác viên dạy các lớp năng khiếu còn mỏng, Cung VHTN tỉnh cũng đã có kế hoạch tăng cường giáo viên từ tỉnh về để hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa trong một số bộ môn năng khiếu. Nhờ đó, hè năm nay, BCĐ hoạt động hè nhiều địa phương đã mạnh dạn chiêu sinh lớp học bơi, bồi dưỡng kỹ năng phòng tránh đuối nước... Bên cạnh đó, nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương tại các xã vùng cao, một số địa phương như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên đã tổ chức mở được một số lớp: Thể thao dân tộc, hát Then, hát tiếng Dao, hát Soóng Cọ tại nhà văn hoá các xã trên địa bàn huyện...
Minh Hà