Mặc dù mới bước vào mùa mưa với vài trận mưa nhỏ lẻ, thế nhưng hệ thống tràn của đường dọc tuyến từ trung tâm huyện Ba Chẽ lên xã Lương Mông (dài khoảng gần 50km) đều đã bị ảnh hưởng. Trong đó 3 tràn là Khe Lạnh (xã Thanh Sơn), Khe Nháng (xã Thanh Lâm) và Khe Xa (xã Đạp Thanh) đã xảy ra ngập lụt, nước dâng cao hơn tràn từ 50cm đến 1m. Bởi vậy mặc dù chỉ sau một cơn mưa nhỏ thì cũng phải vài tiếng sau mới rút hết nước khiến cho giao thông bị ách tắc. Chị Nguyễn Thị Thanh, người dân thị trấn Ba Chẽ nói: “Mới hôm rồi thôi, có cơn mưa nhỏ, ước chừng chỉ 1 giờ đồng hồ thế mà tràn Khe Lạnh đã chìm nghỉm trong nước. Chúng tôi đang có việc cần sang xã lân cận vậy mà bắt buộc phải quay lại không dám đi nữa vì rất nguy hiểm”. Anh Đặng Thành Sơn, xã Thanh Sơn cho biết thêm: “Nếu như tràn Khe Lạnh bị ngập nước thì khổ nhất là những người đi chợ để bán hàng, rồi học sinh đi học. Hôm đó mà còn có ca cấp cứu hay đám ăn hỏi, rước dâu nào thì chết dở vì không có cách nào mà qua bên kia được”.
![]() |
Tràn Khe Lạnh (xã Thanh Sơn) xuống cấp, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa lũ. |
Thực tế toàn tuyến đường Ba Chẽ - Lương Mông có khoảng 6 tràn qua đường thì tất cả đều đang trong tình trạng xuống cấp và thiết kế xây dựng không hợp lý nên luôn bị ngập nước vào mùa mưa. Đó là các tràn Khe Lạnh (xã Thanh Sơn), Khe Nháng (xã Thanh Lâm), Khe Xa (xã Đạp Thanh), Thanh Niên (xã Thanh Sơn), Nam Hả Kinh (xã Nam Sơn) và Khe Lằng (xã Thanh Lâm), trong đó 3 tràn xuống cấp nặng nề nhất là Khe Lạnh, Khe Nháng, Khe Xa. Theo anh Nguyễn Tiến Trường, Phó phòng Kinh tế huyện Ba Chẽ, các tràn này đều được xây dựng và sử dụng từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Bởi vậy trải qua thời gian, đến nay mặt tràn bị vỡ, rạn, nứt; một số tràn hai bên thành bị sạt lở; thiết kế của tràn chủ yếu là tràn liên hợp, mặt tràn nhỏ và thấp, không đáp ứng về an toàn trong mùa mưa lũ. Điều đáng nói là các tràn trên đều là các điểm nối huyết mạch của tuyến đường độc đạo đi qua 6 xã của huyện Ba Chẽ (trừ Đồn Đạc và Minh Cầm). Trong đó riêng tràn Khe Xá (xã Đạp Thanh) nếu bị ngập sẽ gây ách tắc cho toàn tuyến; tràn Khe Nháng (xã Thanh Lâm) ngập sẽ khiến 4 xã là Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm và Lương Mông bị tách biệt hoàn toàn. Đây cũng là tràn thường xuyên bị ngập sâu và thời gian thoát nước lâu nhất, từ 1 đến 3 ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường nhật của người dân mà còn hạn chế sự phát triển kinh tế của chính họ và cả địa phương. Anh Đặng Văn Tâm, cán bộ xã Thanh Sơn khẳng định: “Xã Thanh Sơn nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung mạnh về rừng, song lại ít có các cơ sở chế biến tại chỗ. Vào chu kỳ thu hoạch, người dân đều phải vận chuyển ra ngoài trung tâm huyện hoặc huyện Tiên Yên để tiêu thụ. Nhằm hỗ trợ người dân và các địa phương, những năm gần đây tỉnh, huyện đã nỗ lực xây dựng, mở rộng và hoàn thiện tuyến đường nhựa từ trung tâm huyện đến Lương Mông. Đến nay đường thì đã ổn thế nhưng các tràn qua đường thì vẫn chưa khắc phục được, khiến cho con đường này kém phát huy tác dụng, nhất là vào mùa mưa lũ”.
Được biết trước tình hình này, nhiều lần huyện Ba Chẽ đã đề xuất xây mới các tràn qua đường tuyến Ba Chẽ - Lương Mông với thiết kế phù hợp; Sở Giao thông - Vận tải cũng đã vào nghiên cứu. Cụ thể sẽ làm các cầu bắc ngang hoặc các tràn cao có cống thoát nước ở dưới với tổng giá trị đầu tư từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng/công trình. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành được do chưa bố trí được vốn.
Có thể thấy tình trạng xuống cấp các tràn trên tuyến đường Ba Chẽ - Lương Mông đã diễn ra trong nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bởi vậy, đã đến lúc các đơn vị chức năng cần quan tâm, ưu tiên tạo điều kiện cho địa phương để khắc phục tồn tại này.
Thanh Bình