Thứ ba, 29/04/2025, 14:42 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cần định hướng cho giới trẻ về việc truy cập, sử dụng mạng xã hội

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện trên thế giới có khoảng 2 tỷ người sử dụng mạng xã hội (hay gọi là mạng xã hội ảo), tập trung ở một số trang như Facebook, Twitter, Sina Weibo... trong đó Facebook được sử dụng phổ biến nhất, có khoảng trên 1 tỷ người sử dụng. Tại Việt Nam, tính đến tháng 3-2013 có khoảng 20 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó mạng Facebook có khoảng 12 triệu người sử dụng và có chiều hướng tăng. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay số lượng người sử dụng mạng xã hội đang tăng rất nhanh, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 16 đến 24, chiếm 22%.

Bên cạnh tính ưu việt không thể phủ nhận, cũng cần nhận thức được những hạn chế, bất lợi, tiêu cực do mạng xã hội đem lại, nhất là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên. Một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có xu hướng “sống ảo”; nghiện game online, game sex, chat sex… đang ngày càng phổ biến, gây nhiều hệ quả xấu cho bản thân, gia đình cũng như xã hội…

Nghiên cứu quá trình tham gia vào mạng xã hội của học sinh, sinh viên cho thấy các yếu tố đặc trưng cơ bản sau:

- Việc tham gia mạng xã hội chủ yếu do học sinh, sinh viên bắt chước nhau, tự nguyện lôi kéo nhau tham gia, hình thành các nhóm, tạo diễn đàn trên mạng. Trong khi đó, sự định hướng tuyên truyền của các bậc phụ huynh, nhà trường, các cơ quan tổ chức về mạng và các nhà quản trị mạng, gần như chưa được quan tâm.

- Chính vì tự phát nên các học sinh, sinh viên tham gia mạng thường có biểu hiện che giấu bố mẹ, thầy cô giáo về các quan hệ trên mạng; tiếp nhận thông tin dễ dàng, ít có sự chọn lọc; dễ tin vào những lời nói của bạn mạng mà không cần biết đến bản chất của họ là như thế nào.

Giới trẻ bây giờ không con lạ lẫm với Internet và mạng xã hội... Trong ảnh: Các thí sinh tại cuộc thi tin học trẻ Quảng Ninh lần thứ 14 năm 2013. Ảnh: HOÀNG TRÌNH
Giới trẻ bây giờ không con lạ lẫm với Internet và mạng xã hội... Trong ảnh: Các thí sinh tại cuộc thi tin học trẻ Quảng Ninh lần thứ 14 năm 2013. Ảnh: HOÀNG TRÌNH

- Sau thời gian tham gia vào mạng xã hội, nhiều học sinh, sinh viên đã  xuất hiện cảm giác “sống ảo” mà xa rời cuộc sống thực tại, thiếu niềm tin vào cuộc sống thực, dẫn tới kết quả học tập giảm sút, học sinh, sinh viên không có ý thức vươn lên trong học tập; nhiều học sinh, sinh viên đã sao nhãng việc học tập, thiếu tập trung dẫn đến giảm sút kết quả học tập…

Để các nhà quản lý giáo dục có định hướng đúng tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên trong tiếp nhận thông tin từ mạng, trở thành người có đạo đức, biết đối nhân xử thế, biết tận dụng các lợi thế từ mạng xã hội vận dụng vào học tập, tu dưỡng, rèn luyện, theo chúng tôi, cần có các biện pháp như sau:

Thứ nhất, tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào thi đua học tốt, dạy tốt trong nhà trường với nhiều nội dung, hình thức, phương pháp phong phú; huy động được không chỉ sự quan tâm của nhà trường mà của cả xã hội và phụ huynh học sinh, nhằm tác động, thúc đẩy học sinh tự nguyện tự giác, tích cực tham gia. Trong đó chú trọng phát động, duy trì thường xuyên, có hiệu quả phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Kết quả đợt thi đua phải tìm được cá nhân thực sự tiêu biểu, xuất sắc để biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Có như vậy mới thực sự khuyến khích, tạo động lực tốt để cuốn hút, thu hút các em học sinh tích cực, hăng say học tập. Khi đã có động lực trong học tập, xác định được đúng mục đích học tập, các em sẽ dành nhiều thời gian cho việc học tập hơn là vào các trang mạng. Mặt khác, việc hình thành thói quen tốt sẽ giúp các em có sự lựa chọn, sàng lọc thông tin khi vào mạng. Ví dụ vào mạng chỉ để tra cứu, tìm hiểu kiến thức, trao đổi nhằm nâng cao kết quả học tập...

Thứ hai, phải phối hợp tốt với cơ quan báo chí, thông tin truyền thông, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình trong việc định hướng tuyên truyền cho học sinh về mạng, việc tiếp cận khai thác, xử lý thông tin từ mạng. Cần để học sinh có cách hiểu tích cực, hiểu đúng về những lợi ích từ các trang mạng xã hội cũng như những hạn chế, tích cực của nó đối với cư dân mạng nói chung và học sinh nói riêng. Hướng dẫn cho học sinh ý thức được việc đưa các nội dung thông tin cá nhân của bản thân lên mạng xã hội dễ bị các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng, tác động về chính trị, tư tưởng, gây hoang mang dao động, mất phương hướng... làm phát sinh các nguyên nhân và điều kiện gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội v.v..

Thực tế, giới trẻ với những đặc điểm về phát triển tâm lý có những nhu cầu riêng và là người tiếp nhận tích cực những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng chịu tác động của các phương tiện nghe nhìn nhiều nhất trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Do vậy, ngay từ đầu năm học, các nhà trường cần phải có định hướng tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về vấn đề này. Đây là việc đòi hỏi phải kiên trì, thường xuyên và có sự phối hợp, tạo tính thống nhất từ xây dựng kế hoạch, đề cương tuyên truyền đến các nội dung, hình thức, đối tượng tuyên truyền v.v.. nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, ngành giáo dục cần phối hợp với cơ quan an ninh để được cung cấp, trao đổi những trang mạng xã hội do các thế lực phản động, các phần tử xấu lập lên với dụng ý không lành mạnh, tuyên truyền trái quan điểm của Đảng, Nhà nước. Từ đó có biện pháp khuyến cáo giới trẻ, học sinh, sinh viên không nên xâm nhập, vào sử dụng hay lấy, khai thác thông tin từ những trang mạng này, để tránh bị tiêm nhiễm các tư tưởng, hình ảnh, lời nói độc hại.

Thứ tư, bên cạnh việc xây dựng các điển hình tiên tiến trong học tập, cần có hình thức giáo dục phê bình, lên án và kiên quyết xử lý các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm nội dung, quy chế học tập, nội quy, quy định của nhà trường, nhất là việc lợi dụng mạng xã hội để kích động, tuyên truyền, chia rẽ mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường; kích động, kêu gọi học sinh, sinh viên biểu tình, tụ tập đông người trái phép; tuyên truyền trái quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Với những biện pháp nêu trên, tôi nghĩ nếu được tiến hành, sẽ góp phần giúp cho các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên hiểu được phần nào về những mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội nói chung, của trang Facebook nói riêng. Và cũng qua đây, tôi muốn gửi tới các nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh, các em học sinh, sinh viên một thông điệp “Hãy biết lựa chọn và chia sẻ một cách tích cực nhất những thông tin thực sự là cần thiết và có ích cho mình và mọi người”.

Lê Thị Bích Huệ
(Trường THCS Ngô Quyền, Cẩm Phả)