Hiệp hội DNVVN tỉnh có vai trò là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, làm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ tốt hơn đối với các thành viên. Tính đến nay, trên toàn tỉnh có gần 20 CLB, Hiệp hội địa phương, Chi hội DN-HTX được thành lập. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, gia tăng của các hội, hiệp hội, CLB, việc phát huy tối đa chức năng của các hiệp hội, chi hội DN-HTX với tư cách đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển KT-XH của đất nước vẫn còn nhiều cái khó.
Chia sẻ về những khó khăn này, ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN cho rằng: “Lý do mà các hội, hiệp hội này còn chưa phát huy được vai trò là do vốn ít, nhân sự vừa thiếu, vừa yếu. Cán bộ của các hiệp hội, CLB doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, chính sách pháp luật, trình độ quản lý, chưa thực sự chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ để hỗ trợ doanh nghiệp. Thêm nữa, những khó khăn về mặt kinh phí là do các hội còn phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài (từ Nhà nước, các nhà tài trợ…), nguồn kinh phí được tạo ra từ nội lực các hoạt động dịch vụ có thu phí và hội phí rất hạn chế, không đảm bảo đủ cho nhu cầu hoạt động”.
![]() |
Công nhân Công ty TNHH Gốm sứ mỹ nghệ Thành Hữu (Kim Sơn, Đông Triều) đang hoàn thiện sản phẩm. |
Nhiều cán bộ của các hiệp hội DNVVN cho rằng, trong lĩnh vực và địa bàn hoạt động của Hiệp hội, nhiều nội dung thực hiện bị chồng chéo với tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp nên đôi khi tạo nên sự lẫn lộn giữa hoạt động nghề nghiệp phi chính trị và hoạt động của các tổ chức có gắn đến chính trị trong mục tiêu hoạt động. Điều đó phần nào đã làm giảm đi ý nghĩa, sự ưu việt và giá trị cốt lõi của môi trường hoạt động nghề nghiệp phi chính trị. Hơn nữa, một phần nguyên nhân của hiện tượng trên là do chính sách Nhà nước chưa tạo nên được môi trường phát triển phù hợp với loại hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Bên cạnh đó, những đóng góp về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, dịch vụ xã hội của hiệp hội cho xã hội còn bị hạn chế do phải cạnh tranh với các đơn vị sự nghiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước về mặt triển khai thực hiện. Các đơn vị sự nghiệp này có nhiều lợi thế nên hoạt động hiệu quả hơn và có phần lấn át các hội, đoàn khác trong đó có Hiệp hội DNVVN. Vì những nguyên nhân đó, vai trò của các tổ chức hội đoàn chưa được phát huy một cách tối đa.
Phát huy vai trò cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp
Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua Hiệp hội DNVVN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cũng đã từng bước khẳng định vai trò là cầu nối cho cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó nhiều ý kiến được cơ quan chức năng xem xét giải quyết như: Hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp; xem xét miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, xúc tiến thương mại; hợp tác phát triển với các doanh nghiệp trong cả nước, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, năng lực quản lý doanh nghiệp, thành lập các dự án kinh doanh… góp phần thúc đẩy sự phát triển và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và giữa các địa phương cũng thường xuyên giao lưu, trao đổi, thông tin với nhau nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội đầu tư; thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức các lớp giám đốc, lớp kế toán cho doanh nghiệp, tham gia mô hình phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng các thương hiệu, cấp chứng chỉ; các buổi tham quan khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư; nắm tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp để xây dựng mối quan hệ liên doanh, hợp tác đầu tư...
Tuy nhiên, về cơ bản những khó khăn trên vẫn làm kìm hãm vai trò của hiệp hội, ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN tỉnh cho rằng: Cần phải khắc phục cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về phía doanh nghiệp phải khắc phục được 3 cái khó về vốn, nhân lực, cơ sở vật chất. Về phía tỉnh, cần tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, liên kết với các nhà khoa học, đơn vị khoa học để hỗ trợ tìm kiếm phát triển CNTT vào sản xuất kinh doanh. Thông qua các lớp đào tạo, truyền lửa cho các doanh nghiệp, tạo động lực cho các thành viên có thêm nghị lực vượt qua khó khăn; quan tâm giải quyết các vấn đề về vốn vay, lãi suất thấp cho doanh nghiệp. Đối với hiệp hội, cần nâng cao trình độ, kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cho các cán bộ hiệp hội, tranh thủ nguồn vốn để đào tạo. Hiện, Liên minh HTX-DNNQD tỉnh cũng đang tham gia xây dựng Quỹ hỗ trợ DNVVN của tỉnh. Đồng thời phải nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là những người đứng đầu về vấn đề này nhất là chính sách đào tạo, chính sách ứng dụng vốn, cấp đất... Thêm nữa, tiếp tục tăng cường liên kết hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, thành lập các hội, CLB hỗ trợ kết nối kinh doanh gồm những doanh nghiệp nhỏ nhưng không cùng ngành nghề để giúp đỡ lẫn nhau; tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo bồi dưỡng kiến thức, tinh thần khát vọng, niềm tin, nghị lực của doanh nghiệp; mời các viện ứng dụng khoa học công nghệ và sáng chế của Bộ KHCN giảng dạy, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp... Nếu khắc phục được những yếu tố trên, chắc chắn rằng, hiệp hội, CLB sẽ khẳng định và phát huy tốt hơn vai trò làm cầu nối cho cộng đồng các doanh nghiệp.
Thanh Hằng