Hơn một năm trước đây, các đơn vị chuyên môn của Quảng Ninh đã đề xuất biện pháp xử lý thu hồi diện tích đất được giao, thuê để phát triển rừng của một loạt các doanh nghiệp. Điển hình như Công ty CP Đầu tư và Phát triển kinh tế trang trại thuỷ hải sản Thành Tín, Công ty CP Thương mại và Đầu tư Việt Mỹ, Công ty CP XNK Hà Nội, Công ty CP Đức Phát… Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đề xuất thu hồi một phần diện tích của 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đó là các công ty lâm nghiệp của Hoành Bồ, Vân Đồn, Đông Triều, Ba Chẽ, Bình Liêu; Công ty CP Chè Đường Hoa, Công ty CP Giống vật nuôi và Cây trồng Đông Triều, Công ty TNHH Innogreen. Đây có thể nói là một động thái mạnh tay và cần thiết của tỉnh đối với các dự án lâm nghiệp “treo”, “chậm” trên địa bàn. Bởi thực tế hầu hết các đơn vị trên đều diễn ra tình trạng được thuê đất, thuê rừng nhưng không thực hiện đầu tư hoặc đầu tư không đúng mục đích, trong trường hợp có đầu tư thì cũng cầm chừng, tiến độ chậm so với kế hoạch đã được phê duyệt… dẫn đến lãng phí đất. Một số khác quản lý, sử dụng đất đai không chặt chẽ, hiệu quả, sai mục đích, không tuân thủ đúng thủ tục pháp luật… dẫn đến chồng chéo, bị lấn chiếm…
![]() |
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) |
Thực tế đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Phát triển kinh tế trang trại thuỷ hải sản Thành Tín được tỉnh cho thuê 5.225ha đất rừng trên địa bàn 2 xã Hải Lạng và Tiên Lãng (Tiên Yên) để trồng măng tre xuất khẩu, song trong suốt hàng chục năm qua, đơn vị mới trồng được 550ha, thấp gần chục lần so với dự án được phê duyệt. Đáng buồn hơn toàn bộ số diện tích còn lại gần 4.700ha đơn vị đều bỏ hoang, trong khi đó người dân trên địa bàn không có đất để phát triển kinh tế rừng. Theo tính toán của giới chuyên môn, thì vô hình chung đơn vị này đã gây lãng phí đất trong hơn 1 chu kỳ rừng với giá trị khổng lồ, gần 1.000 tỷ đồng. Anh Bùi Văn Sang, một hộ dân thôn 3, xã Tiên Lãng bức xúc cho biết: “Chẳng hiểu doanh nghiệp này làm ăn kiểu gì, măng thì không trồng, đất đai thì bỏ phí. Nếu như Nhà nước giao đất đó cho chúng tôi sử dụng, khéo chúng tôi đã thu được khoản tiền lớn mà Nhà nước thì chắc chắn có rừng”.
Tương tự như vậy, đối với Công ty TNHH Innogreen (diện tích được giao trải dài cả Tiên Yên, Móng Cái), hiện phần lớn diện tích được giao của đơn vị không triển khai các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Nói về nguyên nhân của việc này, mặc dù lý do mà đơn vị đưa ra là trong tổng diện tích được giao có đến gần 50% là đất không trồng được rừng, là đất rừng tự nhiên hoặc diện tích đang bị lấn chiếm mà không giải quyết được (chủ yếu trên địa bàn huyện Tiên Yên) thì vẫn thể hiện rõ sự thiếu năng lực và trách nhiệm của đơn vị. Riêng Công ty CP Giống vật nuôi và Cây trồng Đông Triều được giao gần 600ha rừng, trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai diễn biến rất phức tạp, lộn xộn. Cụ thể Công ty giao đất lại cho cán bộ công nhân viên tự sản xuất kinh doanh rồi nộp lại % cho đơn vị. Đấy là chưa kể trong hơn 100 cán bộ, nhân viên được Công ty giao đất đến nay chỉ còn 77 người nằm trong biên chế. Điều này thật sự khó cho công tác quản lý.
Có thể thấy đối với các dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn, trong thời gian qua đã được tỉnh, các sở, ngành liên quan dành cho nhiều sự hỗ trợ và ưu ái. Từ đây một số đơn vị đã đẩy mạnh tiến độ dự án. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có gần 30 đơn vị, doanh nghiệp được giao đất phát triển rừng thì gần 2/3 trong đó triển khai khá hiệu quả. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng không ít đơn vị triển khai đúng dự án, dẫn đến lãng phí đất, đó là không kể lẫn trong đó là không ít đơn vị có ý đồ chiếm đất để kiếm lời. Thiết nghĩ đối với tình trạng này cần phải có giải pháp mạnh, xử lý thẳng tay để đảm bảo quy trình quản lý đất đai, chống lãng phí đất cũng như tạo cơ hội đầu tư cho các dự án và nhà đầu tư đủ năng lực.
Việt Hoa