Thứ tư, 30/04/2025, 9:47 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Sự vào cuộc quyết liệt



Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầm thuộc địa bàn các xã: Tràng An, Đức Chính, Xuân Sơn (huyện Đông Triều) có dấu hiệu lén lút tái hoạt động trở lại. Hệ lụy làm cho dòng chảy của sông bị thay đổi, kéo theo nhiều diện tích đất nông nghiệp của 2 xã Đức Chính, Tràng An ở gần khu vực gần bờ sông bị sạt lở, cuốn trôi gây bức xúc trong nhân dân.

Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, trong 5 tháng đầu năm 2013, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và UBND các xã đã phát hiện và xử lý 5 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Cầm thuộc địa bàn các xã Xuân Sơn, Đức Chính, Tràng An, Tân Việt; 1 trường hợp vận chuyển, mua bán cát xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp. UBND huyện Đông Triều và UBND xã Xuân Sơn đã tiến hành xử phạt hành chính 18 triệu đồng, tịch thu 95m3 cát.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, UBND huyện Đông Triều đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý nguồn tài nguyên. Huyện đã thành lập Đoàn công tác liên ngành; ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, xử lý các điểm khai thác, vận chuyển, kinh doanh than, cát, đất sét trái phép trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn và xử lý khai thác cát trái phép tái diễn; trưng dụng xuồng cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng phục vụ việc kiểm tra trên sông của đoàn công tác liên ngành… Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị, UBND các xã giải toả các bến bãi kinh doanh cát trái phép, kiểm tra việc sử dụng bến bãi sai mục đích, yêu cầu các chủ phương tiện khai thác cát trái phép có hộ khẩu tại địa phương chấm dứt việc khai thác cát trái phép, đưa tàu ra ngoài khu vực cầu Cầm, tháo dỡ máy móc, phương tiện phục vụ cho việc khai thác cát trái phép… Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, huyện Đông Triều cũng đã có văn bản phê bình Chủ tịch UBND 2 xã Đức Chính và Tràng An về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, yêu cầu rút kinh nghiệm kịp thời, tăng cường biện pháp trong công tác quản lý nguồn tài nguyên.

Tính đến thời điểm hiện tại, tình trạng khai thác cát lén lút trên sông Cầm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay việc kiểm tra, xử lý, quản lý nguồn tài nguyên này đối với các địa phương và lực lượng chức năng vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Vẫn còn bất cập, khó khăn

Với giá bán trung bình hiện nay từ 100.000-150.000 đồng/m3 cát, tàu vi phạm thường có dung tích 100m3. Như vậy, nếu 1 đêm khai thác trót lọt, bán được từ 10-15 triệu đồng, trừ các chi phí, tiền thuê nhân công, đối tượng vi phạm thu về 5-7 triệu đồng tiền lãi. Thấy được nguồn lợi lớn từ việc khai thác cát trái phép, nên nhiều đối tượng tiếp tục có hành vi tái phạm.

Để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cầm, UBND các xã tiếp giáp với tuyến sông Cầm có trữ lượng cát lớn như Xuân Sơn, Tràng An, Đức Chính… đều thành lập tổ công tác, thường xuyên tuần tra, kiểm tra các khu vực hay xảy ra vi phạm. Tuy nhiên, các tổ công tác ở địa phương còn yếu và thiếu về phương tiện hỗ trợ, ngại va chạm, sự phối kết hợp còn chậm nên khi tiến hành độc lập thì hiệu quả đạt được chưa cao. Thực tế, với nguồn lực và phương tiện của cấp cơ sở hiện nay, để ngăn chặn, khống chế được các đối tượng là rất khó, nên chỉ chủ yếu xử lý bằng hình thức đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi khu vực khai thác cát trái phép (ngoài cầu Cầm). Ví dụ như vụ việc xảy ra vào khoảng 20h30’ ngày 1-5-2013, tổ công tác xã Đức Chính làm nhiệm vụ tuần tra thường xuyên đã phát hiện 1 tàu vỏ sắt vào hút cát tại khu vực đồng Phết - là khu ruộng của nông dân thôn 2 xã Đức Chính, nhưng thuộc địa phận của xã Tràng An quản lý. Do không liên hệ được với công an xã Tràng An và Phòng Tài nguyên - Môi trường nên tổ công tác xã Đức Chính chỉ tiến hành đuổi phương tiện khai thác ra khỏi địa bàn mà không thực hiện bắt giữ, xử lý được do không có phương tiện đường thuỷ.

Ông Phạm Hoàng Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chính cho biết: Hiện tại, khu vực 5ha ruộng xen canh sản xuất nông nghiệp của người dân thôn 2 xã Đức Chính nằm trên địa bàn hành chính của xã Tràng An đang bị ảnh hưởng, sụt lở bởi hiện tượng khai thác cát trái phép. Lòng sông tại khu vực này có nơi đã mở rộng ra gần 100m. Do đặc thù là vi phạm trên sông nước, các đối tượng vi phạm khi bị phát hiện cho tàu nổ máy di chuyển dần ra xa nên lực lượng chức năng không tiếp cận được do không có phương tiện hỗ trợ kịp thời.

Ông Bùi Kim Đại, Trưởng Công an xã Tràng An cho biết: UBND xã cũng đã đầu tư mua 1 xuồng máy trị giá 15 triệu đồng để phục vụ cho công tác tuần tra, canh gác của tổ công tác. Tuy nhiên, các tàu vi phạm thường hoạt động lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ, thậm chí đối tượng còn cho người theo dõi hành động của tổ tuần tra để né tránh, kịp thời rút lui khi có lực lượng kiểm tra. Mỗi tàu khai thác cát thường có từ 6-8 nhân công, đa phần là các đối tượng nghiện hút, có tiền án tiền sự… sẵn sàng có hành vi chống đối. Trong khi đó, phương tiện của địa phương có công suất nhỏ, chỉ chở được tối đa 4 người, sẽ không đủ lực lượng để trấn áp. Điển hình như vụ việc ngày 5-4-2011, khi tổ công tác tiến hành kiểm tra tàu khai thác cát trái phép trên địa phận xã Tràng An đã xảy ra xô xát, đối tượng đã dùng mái chèo chém bị thương một công an viên của xã.

Cần có biện pháp quyết liệt, đồng bộ

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên thì lực lượng cơ sở là điểm mấu chốt và quan trọng nhất. Do vậy, cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền sở tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên cát. Các địa phương cần tiếp tục duy trì việc kiểm tra định kỳ và đột xuất để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Thực tế, qua công tác kiểm tra đã phát hiện các đối tượng vi phạm, chủ tàu chủ yếu là người địa phương, do vậy cần thiết phải có các biện pháp tuyên truyền sâu rộng, phổ biến Luật Đất đai, Luật Khoáng sản đến nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật. Đồng thời, cũng cần chú trọng việc vận động nhân dân giám sát, tố giác, phát hiện và đấu tranh với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, việc xử lý vi phạm hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Sau một thời gian, các đối tượng lại lén lút hoạt động trở lại vì nguồn lợi từ việc mua bán cát là rất lớn. Do vậy, đối với các đối tượng có hành vi tái phạm này cần xử lý nghiêm khắc, kiên quyết đưa vào các cơ sở giáo dục, giáo dưỡng cải tạo, rèn luyện. Nên chăng, cũng cần xem xét đến việc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật để tạo tính răn đe chung, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chấp hành quy định pháp luật và bảo vệ nguồn tài nguyên trên địa bàn. Đối với các dụng cụ, phương tiện, máy móc phục vụ cho hoạt động khai thác cát trái phép cần kiên quyết tịch thu, không để đối tượng có cơ hội tái phạm.

Thanh Hoa