Thứ tư, 30/04/2025, 14:38 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác và sử dụng nước

Quảng Ninh là tỉnh có hoạt động kinh tế sôi động, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp, du lịch và thương mại, nên tài nguyên nước (TNN) có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH của tỉnh. Chính vì vậy, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều quy hoạch liên quan đến khai thác và sử dụng TNN được xây dựng như quy hoạch nông nghiệp, thủy lợi; quy hoạch thủy điện; quy hoạch cấp nước đô thị và KCN; quy hoạch cấp nước sạch nông thôn…

Cửa xả nước đập Đầm Hà Động (Đầm Hà).
Cửa xả nước đập Đầm Hà Động (Đầm Hà).

Theo số liệu thống kê, tổng trữ lượng nước tiềm năng dưới đất của toàn tỉnh là 1.520.600m3/ngày, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã và đang làm biến đổi mạnh các điều kiện về môi trường và tài nguyên ở cả thành thị lẫn nông thôn. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, gây ra áp lực lớn đối với TNN tại các đô thị như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí. Nguồn cung cấp nước sạch không đáp ứng kịp cho sự phát triển dân cư (tỷ lệ cung cấp nước sạch đô thị đạt 89%). Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và TNN nói riêng đang trở nên trầm trọng bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp, năng lượng và giao thông. Các hoạt động san gạt các khu đồi làm cho lớp phủ thực vật bị mất đi làm giảm lượng nước mưa thấm cho nước dưới đất (NDĐ), khu vực ven biển xảy ra tình trạng ô nhiễm nước do các vật chất lấn biển làm bồi lấp cống thoát nước, nước thải bị ứ lại gây ô nhiễm tầng nước dưới sâu, phát sinh trong quá trình đô thị hóa và trong các khu đô thị có thành phần chủ yếu là các chất hữu cơ, cao su, nhựa, giấy, bìa carton, giẻ vụn, kim loại, thuỷ tinh, gốm sứ, đất đá, gạch, cát... có nguy cơ làm suy giảm chất lượng nước tại các nguồn nước ở các hồ, sông, suối trong khu vực, đồng thời làm suy giảm chất lượng NDĐ.

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tham mưu cho tỉnh xây dựng quy hoạch, kế hoạch, cơ sở dữ liệu, các nhiệm vụ công tác về lĩnh vực tài nguyên nước và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đề ra các giải pháp, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản cho công tác quản lý TNN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường triển khai các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN cho các địa phương và người dân như: Tổ chức lớp tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và TNN cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã; bàn giao Tuyển tập các văn bản quy phạm pháp luật về TNN do Cục Quản lý TNN cung cấp tới các xã, phường, thị trấn của tỉnh. Quản lý tốt công tác cấp phép khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan NDĐ trên địa bàn. Đến thời điểm này đã cấp 77 giấy phép khai thác NDĐ với tổng lưu lượng 20.968m3/ngày; 59 giấy phép khai thác nước mặt với tổng lưu lượng 1.162.757m3/ngày; 2 giấy phép nghề khoan nước dưới đất… Đẩy mạnh công tác kiểm tra thực địa việc khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, giám sát lấy mẫu môi trường nước; kiểm tra, giám sát lấy mẫu nước, quan trắc lưu lượng, mực nước của dự án; giám sát và đôn đốc các đơn vị tư vấn thực hiện các quy định trong Luật TNN… Đồng thời tích cực triển khai thực hiện quy hoạch TNN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030.

Để công tác quản lý, khai thác tài nguyên nước trên địa bàn đạt được kết quả cao hơn cần có sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng và các địa phương. Đặc biệt là ý thức trong việc thăm dò khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước của mọi tầng lớp nhân dân cần được nâng cao hơn nữa.

Thanh Quân