Thứ tư, 30/04/2025, 0:40 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động

Nghị định số 49/2013/ NĐ-CP của Chính phủ  quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về tiền lương và có hiệu lực từ ngày 1-7. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước đều tự xây dựng thang, bảng lương.



Xây dựng thang, bảng lương - “ép” cũng đành chịu?

Việc xây dựng thang, bảng lương không còn mới lạ với các doanh nghiệp ngoài nhà nước bởi các doanh nghiệp này hiện vẫn đang áp dụng thang, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Riêng các doanh nghiệp nhà nước trước đó vẫn áp dụng xếp lương cho người lao động theo nghị định 205/2004/NĐ-CP, nhưng theo nghị định mới sẽ chuyển sang thang, bảng lương do công ty ban hành. Điểm mới nữa là các doanh nghiệp sẽ không phải đăng ký thang bảng lương với Sở Lao động Thương binh và Xã hội như trước nữa.

Công nhân Công ty Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh lắp đặt đường ống nước công trình Nhà máy nước Đá Bạc.
Công nhân Công ty Kinh doanh nước sạch Quảng Ninh lắp đặt đường ống nước công trình Nhà máy nước Đá Bạc.

Theo ông Đỗ Văn Khánh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (LĐLĐ tỉnh), nghị định này ra đời là phù hợp với nền kinh tế thị trường, giúp hai bên trong mối quan hệ lao động tự thoả thuận; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trọng người tài; đồng thời khắc phục được sự chênh lệch về mức được hưởng chế độ BHXH khi về hưu của người lao động ở các thành phần doanh nghiệp khác nhau, nhưng công việc như nhau... Tuy nhiên, không ít lao động lo ngại rằng, việc doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương cho công nhân, lại không phải đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì quyền lợi của họ có được đảm bảo? Bởi việc quản lý nhà nước hiện chưa theo kịp với thực tiễn; trong khi đó lao động phổ thông thì nhiều, doanh nghiệp ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm rõ quy tắc xây dựng thang bảng lương...

Trên thực tế, trong quá trình xây dựng thang bảng lương, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng mức lương chưa tương xứng với công sức và phù hợp với mức sống tối thiểu của người lao động, chưa đúng với quy định của Nhà nước. Trong khi đó, công nhân hầu hết là những người hôm qua còn chân lấm, tay bùn, lên thành phố kiếm việc làm, trình độ hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế, không thể đủ khả năng tham gia với doanh nghiệp về việc xây dựng thang bảng lương; thêm nữa có hiểu họ cũng không dám thoả thuận với chủ doanh nghiệp bởi sự lo ngại mất việc làm, nên có bị “ép” cũng đành chịu.

Về phía các doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế, hoặc có hiểu thì cũng làm ngơ, đặt lợi ích kinh doanh lên trên hết. Mặc dù trong các doanh nghiệp, bản thoả ước lao động tập thể do đơn vị xây dựng là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp căn cứ vào đó thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhưng thực tế bản thoả thuận này đa số đều là sao chép lại bản thoả ước lao động tập thể của Nhà nước, ít điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của Nhà nước. “Bản thoả ước lẽ ra được quy định những điều khoản có lợi hơn với người lao động nhưng thực tế chúng tôi còn phải chịu thiệt thòi hơn cả những quy định của nhà nước. Điển hình như có công nhân nghỉ thai sản nhưng không được hưởng chế độ thai sản, hoặc có thì rất chậm trễ. Có người thì không được hưởng mức lương tối thiểu theo quy định của vùng 2, lao động đã qua đào tạo không được tính thêm ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định... Trước đây doanh nghiệp còn phải đăng ký thang, bảng lương với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, nhưng nếu áp dụng quy định mới doanh nghiệp không phải đăng ký với sở thì liệu quyền lợi của người lao động có được đảm bảo không?” - Một công nhân của doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP Hạ Long bày tỏ sự lo lắng.  

Quản lý, giám sát, tham mưu ngay từ cơ sở

Nguyên nhân của thực trạng trên là do các doanh nghiệp ngày càng đông trong khi đó, cán bộ thuộc thẩm quyền thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động ở các địa phương còn mỏng. Trong khi người lao động luôn khao khát việc làm, còn nhiều doanh nghiệp thì đặt lợi ích kinh doanh lên trên hết vì vậy dẫn đến tình trạng xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động còn chưa sát với công sức, trí tuệ của người lao động. Công đoàn là tổ chức duy nhất bảo vệ quyền lợi của người lao động, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 600 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn so với con số trên 8.000 doanh nghiệp thì đó là một con số quá khiêm tốn. Cán bộ công đoàn nhiều nơi còn thiếu, kiến thức về chính sách pháp luật lao động còn hạn chế, kỹ năng kém, vai trò công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt bởi phần lớn họ cũng chỉ làm công tác kiêm nhiệm, là người đi làm công ăn lương nên cũng không dám đứng ra bênh vực quyền lợi người lao động.

Vì vậy, để việc xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động tại các doanh nghiệp gắn liền với việc đảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo đúng với quy định của Nhà nước, thì ngay tại cơ sở, cán bộ công đoàn cần giám sát, tham mưu, tư vấn cho chủ doanh nghiệp trong việc xây dựng thang, bảng lương. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cần nâng cao năng lực, vai trò, hiểu biết sâu về tiền lương, định mức lao động; am hiểu công việc ở đơn vị để tham gia mức lương phù hợp với từng đối tượng. Hoặc công đoàn có thể thuê chuyên gia tư vấn pháp luật lao động tư vấn xây dựng thang, bảng lương. Người lao động cần có kiến nghị với công đoàn về sự bất hợp lý trong xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động. Ở những nơi không có CĐCS thì đại diện tập thể người lao động nơi đó phải có văn bản kiến nghị gửi cho công đoàn cấp trên cơ sở.

Cơ quan quản lý nhà nước về pháp luật lao động cần tăng cường giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động, chế độ chính sách pháp luật để chính sách ban hành ra được đưa vào cuộc sống có tính hiệu quả và thực tiễn hơn.

Thanh Hằng