![]() |
Khám sàng lọc tim miễn phí cho trẻ em nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Những chính sách vượt trội
LTS: Mặc dù nhà nước đã có nhiều chính sách trợ giúp trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập tạo nên sự bất bình đẳng đối với nhóm trẻ em này. Vì vậy, Tháng hành động Vì trẻ em năm nay được thực hiện với chủ đề “Cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” nhằm huy động toàn xã hội chung tay góp sức để trẻ em ở mọi miền đất nước đều có cơ hội phát triển bình đẳng. |
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 280.000 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó, 13.341 trẻ con hộ nghèo; 7.650 trẻ con hộ cận nghèo; 35.600 trẻ em dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, tỉnh đã có rất nhiều chính sách quan trọng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chú trọng đặc biệt đến những đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Điển hình như: Chương trình bảo vệ trẻ em của tỉnh giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện được hưởng chính sách hiện hành của nhà nước; kế hoạch triển khai xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em giai đoạn 2011-2015; HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ tiền ăn trưa tại các cơ sở giáo dục mầm non cho đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi có cha mẹ thường trú tại các xã, phường, thị trấn trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ và đối tượng trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo...
Đặc biệt, Quảng Ninh luôn có những cách làm mới và vượt trội hơn so với quy định chung của nhà nước và nhiều tỉnh, thành khác. Chẳng hạn, nhà nước có quy định mức chuẩn để xác định mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội là 180.000 đồng (hệ số 1) thì Quảng Ninh ra quyết định hỗ trợ mức chuẩn là 300.000 đồng, gần gấp đôi so với quy định. Năm 2012, UBND tỉnh cũng có quyết định hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật hệ vận động trên địa bàn tỉnh. Ngay trong năm 2012, đã có 139 người khuyết tật được hỗ trợ, trong đó có 39 trẻ em. Hay như thực hiện Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện được hưởng chính sách hiện hành của nhà nước, trong năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ cho 135 trẻ với tổng kinh phí là trên 433 triệu đồng. Còn chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, trong khi quy định chung chỉ xác định thực hiện cho 5 đối tượng thì Quảng Ninh đã mở rộng thêm một đối tượng là trẻ em con các hộ cận nghèo. Việc mua bảo hiểm y tế cũng được quan tâm khi tỉnh hỗ trợ đến 70% chi phí mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Trẻ em miền núi, dân tộc đều được miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền mua sách vở theo quy định của nhà nước... Từ những chính sách này, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc miền núi có cơ hội tốt hơn trong học tập, sinh hoạt.
Cần nỗ lực hơn nữa
Em Tằng A Hai (7 tuổi, ở Khe O, Lục Hồn, Bình Liêu) bị bệnh phình đại tràng bẩm sinh, phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị đầu năm 2012. Nhà nghèo, gia đình không có tiền nên định không chữa bệnh mà đưa em về. Được các bác sĩ của Bệnh viện giữ lại, cùng sự ủng hộ của rất nhiều người có lòng hảo tâm mà em được phẫu thuật và sức khoẻ dần hồi phục. Cầm trên tay những đồ chơi, truyện tranh mà các cô, bác tặng khi em nằm viện, Tằng A Hai thốt lên: “Chưa bao giờ em được đọc nhiều truyện thế này. Chưa bao giờ em có được đồ chơi đẹp thế này”. Mọi người hỏi: “Thế bố mẹ không mua cho em à”? Hai trả lời: “Nhà cháu nghèo lắm, tiền ăn học, chữa bệnh còn không có, làm sao có đồ chơi”?
Qua câu chuyện của bé Hai có thể thấy trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Những quyền cơ bản nhất là được học tập, vui chơi đôi khi các em cũng không được đáp ứng đầy đủ. Rất nhiều em phải lao động sớm; thậm chí, phải bỏ học và làm những việc nặng nhọc để phụ giúp gia đình. Đó là chưa kể đến những quyền tối thiểu về giáo dục, chăm sóc y tế, nước sạch, vệ sinh v.v.. Ngoài ngành thường trực công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em là Sở LĐ-TB&XH, các ngành khác cũng khá tích cực trong công tác này. Như Sở GD-ĐT triển khai phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực; chương trình giáo dục kỹ năng sống. Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trợ giúp pháp lý cho trẻ em đến năm 2015. Tỉnh Đoàn triển khai chương trình Đỡ đầu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chương trình “Thắp sáng ước mơ” cho trẻ em vượt khó; chương trình vận động quà Tết, quà Trung thu, quà năm học mới tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi triển khai các chương trình: Xã hội hoá xe lăn cho trẻ em tàn tật; xã hội hoá xe đạp cho trẻ em mồ côi. Báo Quảng Ninh tổ chức và duy trì chương trình “Bữa cơm nhân ái” cho một số trường có học sinh dân tộc thiểu số, vùng núi khó khăn đang theo học bán trú...
Tất cả những việc làm trên đều đang hướng đến việc giúp trẻ em trong toàn tỉnh có môi trường sống, học tập, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, các em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc miền núi vẫn cần hơn nữa sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng, xã hội nhằm tạo cơ hội phát triển bình đẳng, toàn diện cho các em.
Hoàng Nhi
Ý kiến người trong cuộc * Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em dân tộc và trẻ em nghèo” Năm nay là năm thứ 3 thực hiện chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em và chương trình bảo vệ trẻ em của tỉnh giai đoạn 2011-2015. Đây cũng là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết 47/2011-HĐND về những chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện được hưởng chính sách hiện hành của nhà nước. Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện những chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số giúp các em có cơ hội phát triển bình đẳng. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều giải pháp, dự án trong chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em được thực hiện nhằm hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc có điều kiện phát triển bình đẳng. * Thầy giáo Vi Đức Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hà Lâu (Tiên Yên): “Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các em có thể đến trường” Là một trường TH-THCS dân tộc bán trú, học sinh của trường chủ yếu là con em người dân tộc và gia đình khó khăn. Vì vậy để các em có thể đến trường, được chăm sóc và học tập đầy đủ, nhà trường đã có nhiều những chính sách hỗ trợ như: Kêu gọi các tổ chức tài trợ trong và ngoài tỉnh hỗ trợ quần áo, giầy dép, sách vở cho các em; tạo điều kiện cho các em ăn, ở bán trú tại trường; thường xuyên kiểm tra đôn đốc các giáo viên ở những điểm xa trường trong việc quan tâm tới học tập của các em… Chính vì vậy việc bỏ học, bỏ buổi của các em giảm hẳn, đây là điều kiện thuận lợi để các em phát triển bình đẳng. * Chị Bàn Thị Bình, thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ: “Vui vì các con được đến trường học tập” Nhà tôi có 5 con đều trong độ tuổi đi học, đứa bé nhất thì đang học mầm non 5 tuổi, đứa lớn thì học lớp 8. Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, trường học lại xa nên không có đứa nào được đi học. Nhờ có chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, được các thầy cô giáo vận động nên các cháu được đến trường, đi học còn được hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, những dịp lễ, tết lại được tặng quà… Gia đình tôi rất vui và yên tâm làm việc. * Đặng Tiến Đạt, học sinh lớp 1, điểm trường Bản Gianh, Trường TH-THCS Hà Lâu (Tiên Yên): “Cháu rất thích đến lớp” Đến lớp có nhiều bạn lại được học chữ, được chơi các trò chơi do cô giáo tổ chức rất vui nên cháu rất thích. Hồi trước chưa đi học, ở nhà cháu phải trông em cho bố mẹ đi làm, năm nay cháu được đi học ở gần nhà nên hàng ngày cháu tự đến trường và về nhà mà không cần bố mẹ đưa đón, cháu còn được phát sách giáo khoa mới, bút viết, vở mới nữa. Hoàng Trình (Thực hiện) |