Thứ tư, 30/04/2025, 0:40 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cảnh giác với nước giải khát vỉa hè

Quán cóc, vỉa hè... giờ đây đã trở thành hình ảnh quen thuộc và là kế sinh nhai của không ít người. Bên cạnh các mặt hàng bánh, kẹo, ăn sáng... nước giải khát được khá nhiều người lựa chọn để kinh doanh trong thời tiết oi bức của mùa hè này. Với những loại nguyên liệu không rõ nguồn gốc, quy trình chế biến không đảm bảo; điều kiện, cơ sở vật chất bảo quản thực phẩm không đạt tiêu chuẩn, nhất là ở môi trường không khí ô nhiễm khói, bụi... những quán nước giải khát này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng.



Nước giải khát... bẩn

Trong những ngày hè nóng nực, thật chẳng gì giảm nhiệt tuyệt vời bằng một ly nước mát. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều quán nước giải khát vỉa hè đã đua nhau mở ra để kinh doanh kiếm lợi. Theo một chủ quán nước giải khát vỉa hè “bật mí”: “Việc đầu tư một quán nước không tốn nhiều tiền. Chỉ cần chút vốn đóng một chiếc bàn gỗ, vài chiếc ghế nhựa và các loại nước đóng chai, đóng hộp, kẹo là có thể kinh doanh được. Quán nào kinh doanh nước mía đá thì đầu tư thêm máy ép nước mía... Với lại kinh doanh quán vỉa hè cũng không phải làm thủ tục gì phức tạp, chỉ cần nộp thuế cho phường là được”. Với những lợi thế như vậy nên các quán nước vỉa hè đã “nở rộ” trong mấy năm gần đây. Cũng do không cần phải có cơ sở vật chất nên các quán vỉa hè này thường xuyên di động và được mở tại những nơi tập trung đông người như: cổng trường học, bệnh viện, các đoạn đường có vỉa hè thông thoáng... Sinh viên Nguyễn Văn Tuấn, Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long cho biết: “Thời tiết nóng nực, tôi thường cùng bạn bè ra ngồi tại các quán nước vỉa hè. Ở đây chỗ ngồi thoáng mát, phục vụ nhanh mà giá cả lại rẻ, phù hợp với sinh viên…”.

Nhiều quán nước vỉa hè đã được mở tự phát để kinh doanh trong những ngày hè. Trong ảnh: Một quán nước vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Nhiều quán nước vỉa hè đã được mở tự phát để kinh doanh trong những ngày hè. Trong ảnh: Một quán nước vỉa hè trên đường Nguyễn Văn Cừ.

Thực tế, các mặt hàng nước giải khát được kinh doanh tại những quán nước vỉa hè cũng rất đa dạng, từ các loại thức uống đóng chai có thương hiệu, đến các đồ uống tự pha như: nhân trần, trà đá… Bên cạnh đó, các quán cũng bán thêm cả bánh kẹo, hoa quả các loại. Thế nhưng cách thức bảo quản, pha chế và nguyên liệu của các thực phẩm này thì khó có thể đảm bảo VSATTP trong điều kiện các mặt hàng bày bán gần đường giao thông bụi bặm, nắng nóng, không che đậy. Mục sở thị một quán nước mía vỉa hè trên trục đường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), chúng tôi không khỏi sởn... da gà khi được tận mắt chứng kiến quy trình pha chế của chủ quán. Tất cả đều được làm bằng bàn tay trần, từ bốc những khúc mía đã được cạo sẵn đặt trong chiếc xô nhựa nằm dưới mặt đất cho đến việc bốc đá trong chiếc thùng nhựa. Cái nắng nóng gay gắt của trưa hè khiến những giọt mồ hôi của chủ quán chảy tong tong... Giật mình hơn khi chiếc máy ép nước mía, sau mỗi lần quay ép đã không được vệ sinh mà chỉ được che đậy bằng chiếc khăn mặt đã ố màu. Chiếc ca nhựa chứa nước ép còn lại cũng được chủ quán để ngay dưới gầm của chiếc máy ép. Bã mía được để cách đó không xa đen đặc ruồi, nhặng. Còn cốc nước mía khách dùng xong cũng chỉ được tráng qua hai chiếc thùng nước…

Ghé qua một quán nước khác trên đường Lê Thánh Tông (TP Hạ Long), chúng tôi vẫn chứng kiến hình ảnh tương tự khi chủ quán tay không bốc đá cho vào cốc. Đá uống nước được chứa trong thùng nhựa và cũng chẳng ai dám chắc đá lạnh đó là đá sạch... Anh Phạm Đình Phúc, khu 4B, phường Cao Xanh chia sẻ: “Có lần tôi đón con trai đi học về. Dọc đường cháu khát nước, rẽ vào cho cháu uống nước mía ở một quán ven đường, tối về cháu kêu đau bụng không ăn được cơm, rồi tiêu chảy. Sau hôm ấy, tôi thường mang nước từ nhà cho cháu uống mà không dám cho uống nước ở các quán vỉa hè nữa”.

Người tiêu dùng nên chủ động phòng tránh

Ông Vũ Quang Thiện, Phó Chi cục trưởng, Chi cục ATVSTP cho biết: “Quán nước vỉa hè cũng là một dạng của hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố. Hiện nay, các quán nước vỉa hè hầu hết được mở một cách tự phát, nhỏ lẻ, khó có thể thống kê được hết số lượng các quán này. Bên cạnh đó, thời gian và địa điểm kinh doanh của người bán hàng thường không cố định nên gây không ít khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Kéo theo đó, nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố là rất lớn. Đó còn chưa kể các loại hoá chất không rõ nguồn gốc, thậm chí độc hại cho sức khoẻ người sử dụng về lâu dài”.

Để từng bước kiểm soát được điều kiện VSATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đã ra kế hoạch số 11/KH-BCĐ ngày 29-3 về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung vào các giải pháp như: tăng cường thông tin tuyên truyền, giáo dục đảm bảo VSATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố; tập huấn, khám sức khoẻ cho người kinh doanh thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh kiểm tra đảm bảo VSATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tại các địa phương… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về kinh doanh và sử dụng thức ăn đường phố, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do thức ăn đường phố.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức của người kinh doanh và người sử dụng là rất quan trọng. Người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đường phố, nhất là ăn uống tại các hàng quán vỉa hè; đồng thời, chủ động trang bị cho bản thân và gia đình những kiến thức phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ từ việc sử dụng thức ăn đường phố…

Nguyễn Thanh