Thứ ba, 29/04/2025, 20:21 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cấy bằng mạ ném - cách làm mới ở vùng cao Bình Liêu

Trước đây, vào mỗi vụ gieo trồng lúa, bà con ở xã Tình Húc (huyện Bình Liêu) phải tốn nhiều thời gian, chi phí mà lại còn phải còng lưng để cấy. Gần đây, nhờ việc áp dụng phương pháp gieo cấy bằng mạ ném (mạ khay) nên đã khắc phục được những khó khăn, vất vả nêu trên.

Chúng tôi đến thôn Pắc Liềng, xã Tình Húc khi bà con đang trong thời điểm cấy lúa vụ chiêm. Qua tìm hiểu được biết, nhìn chung bà con ở đây đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu gieo cấy. Theo quan sát của chúng tôi, thay vì phải nhúng tay xuống ruộng, còng lưng để cấy lúa như trước kia, thì nay người nông dân chỉ cần cầm theo một chiếc khay gieo mạ và nhổ từng dảnh mạ trên khay ném xuống ruộng. Việc cấy bằng phương pháp mạ ném đã giải quyết cơ bản vấn đề lao động, bởi nếu áp dụng phương pháp cấy truyền thống sẽ phải có ít nhất 4 người, trong đó, 1 người bừa, 1 người xúc mạ, 1 người gánh, 1 người cấy. Nếu cấy bằng mạ ném sẽ giảm được 2 lao động. Đối với phương pháp cấy bằng mạ ném, bà con giảm được thời gian cấy và chi phí cho việc mua thóc giống, thuê nhân công, đặc biệt vừa dễ làm và đảm bảo thời vụ gieo cấy. Theo quan sát của chúng tôi, mỗi khay nhựa có chiều dài 60cm, chiều rộng 33cm, chứa 570 lỗ nhỏ (mỗi lỗ nhỏ là 1 khóm lúa). Một sào lúa (360m2), nếu cấy với mật độ khoảng 45 khóm/m2, tương đương 16.200 khóm/sào, sẽ cần 28 khay mạ, mỗi khay mạ có giá bán trên thị trường là 2.300 đồng. Như vậy, với 1 sào, bà con chỉ phải chi phí khoảng 64.400 đồng, nhưng lại có thể làm được từ 3 đến 5 vụ cấy. Anh Lô Văn Biền, thôn Pắc Liềng, xã Tình Húc đang thoăn thoắt ném mạ cho biết: “Cấy bằng mạ ném thuận tiện hơn cấy bằng phương pháp truyền thống rất nhiều. 2 năm trước chưa áp dụng cấy mạ khay, cứ đến vụ cấy, gia đình tôi đều phải thuê người đến cấy, mỗi công mất 150.000 đồng, nếu thuê 5 người sẽ mất 750.000 đồng, đấy là chưa tính tiền mua thức ăn buổi trưa cho người lao động. Từ khi cấy bằng mạ ném, chỉ cần 2 người ném, gần 7 sào ruộng gia đình tôi chỉ trong 2 ngày là xong”.

Nông dân xã Tình Húc cấy bằng phương pháp mới.
Nông dân xã Tình Húc cấy bằng phương pháp mới.

Qua tìm hiểu thêm được biết, kỹ thuật làm mạ ném không quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý chọn bùn trước khi đổ vào khay, bùn phải có độ dẻo vừa phải, không được loãng quá hay đặc quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mạ. Thóc giống ngâm 2 ngày và ủ 1 đêm, sau khi nảy mầm sẽ đem rắc vào khay sao cho thật đều tay và thưa hạt. Được khoảng một tuần đến 12 ngày, khi mạ lên 3 lá thì có thể mang ra ruộng ném. Ngoài ra, gieo cấy mạ ném tỷ lệ thóc nảy mầm rất cao, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt, năng suất lúa cũng tăng từ 5-10% so với cấy lúa theo phương pháp truyền thống, bởi mạ ném nhanh bén rễ và đẻ nhánh khoẻ.

Vụ chiêm năm nay, huyện Bình Liêu có kế hoạch gieo cấy 580ha lúa. Tính đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn huyện Bình Liêu đã gieo cấy được trên 92% diện tích với các giống lúa lai: Bồi tạp 49, Bồi tạp Thái Phong, lúa thuần chất lượng cao: QR1, lúa Hương thơm số 1, DDT52, Việt Hương. Chị Lê Thị Thu Hương, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu cho biết: “Việc áp dụng gieo cấy bằng phương pháp mạ ném có thể đảm bảo đúng khung thời vụ. Nếu thời tiết giá rét, thóc không nảy mầm được hoặc gặp thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến cây mạ thì bà con có thể làm đất gieo mạ lại vì mạ ném chỉ cần 7 đến 12 ngày là có thể cấy. Còn cấy mạ theo cách cổ truyền tốn nhiều thời gian, bà con phải mất hàng tháng trời đợi mạ lớn mới cấy được. Hơn nữa, khi bà con dùng xẻng xúc, rễ của cây mạ thường bị đứt cho nên sự phát triển và năng suất của cây lúa không cao”.

Có thể thấy, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập và giá trị nông sản mà còn tiết kiệm được thời gian, chi phí sản xuất, giải quyết hiệu quả khâu thiếu lao động mỗi khi mùa vụ đến.

Phương pháp cấy bằng mạ ném có những hiệu quả là vậy, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, đây là mô hình mới tự phát tại một số địa phương với quy mô nhỏ lẻ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng chưa có kế hoạch triển khai, nhân rộng mô hình này. Hi vọng rằng, phương pháp này sẽ sớm được nhân rộng đến đông đảo những người làm nông nghiệp để bà con có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

La Lành (CTV)