Thứ 7, 03/05/2025, 0:09 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật: Hiệu quả từ một mô hình liên kết

Theo số liệu của Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có số trẻ em vi phạm pháp luật (VPPL) cao nhất khu vực phía Bắc. Để chăm sóc và quản lý, giáo dục số trẻ này, năm 2013, Trung tâm Công tác Xã hội (CTXH) tỉnh đã tiếp tục phối hợp với Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình triển khai mô hình chăm sóc quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Mô hình đã đem lại những hiệu quả thiết thực...

Anh Đỗ Anh Hoà, cán bộ phụ trách Phòng Can thiệp - hỗ trợ, Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: “Đến đầu tháng 6-2013, số trẻ vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh tăng 8 trẻ so với cuối năm 2011. Hiện tại, Quảng Ninh có 60 trẻ em vi phạm pháp luật được học tập, giáo dục tại trường giáo dưỡng số 2 Ninh Bình; trong đó, 99% số đó là trai và 1% là gái, với độ tuổi trung bình từ 13-19 tuổi. Hành vi phạm tội chủ yếu là trộm cắp tài sản. Ngoài ra còn có các hành vi cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, ngược đãi cha mẹ, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản… Năm 2012, TX Cẩm Phả, TP Uông Bí là 2 khu vực có trẻ em vi phạm pháp luật cao nhất tỉnh. Còn địa bàn có tỷ lệ trẻ vi phạm pháp luật thấp nhất là Bình Liêu, Cô Tô. Riêng 2 huyện Hải Hà và Hoành Bồ không có trường hợp trẻ VPPL”.

Cán bộ Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình dạy văn hoá cho trẻ em vi phạm pháp luật. Ảnh: Thanh Hà (CTV)
Cán bộ Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình dạy văn hoá cho trẻ em vi phạm pháp luật. Ảnh: Thanh Hà (CTV)

Để giúp những đối tượng này sớm tái hoà nhập cộng đồng, Trung tâm CTXH tỉnh đã phối hợp với Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình tiếp nhận, quản lý và giáo dục 60 trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, tại Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, các em đã được chăm sóc, quản lý, giáo dục; tư vấn  tâm lý, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm sống, hướng nghiệp và đào tạo nghề giúp các em xoá bỏ dần mặc cảm, có niềm tin và kỹ năng cần thiết để vượt qua những khó khăn, thích nghi với môi trường mới, sẵn sàng hoà nhập cuộc sống cộng đồng khi ra trường.

Để tiếp tục thực hiện mô hình quản lý, giáo dục trẻ em VPPL có hiệu quả hơn nữa, Trung tâm đã cử cán bộ xuống các địa bàn, nơi có những trường hợp là trẻ em, người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật đã ra trường, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em và gia đình để lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ các em sao cho khi ra trường các em có thể hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ khu phố, giúp trẻ được tham gia hoạt động đoàn thể, giảm bớt sự tự ti và mặc cảm; tư vấn định hướng cho trẻ về nguyện vọng văn hoá và định hướng tạo việc làm. Đặc biệt, Trung tâm còn liên hệ với các cơ sở dạy nghề để chuyển gửi trẻ có nguyện vọng học nghề được theo học nghề phù hợp với khả năng của trẻ. Đồng thời, Trung tâm CTXH tỉnh còn đến trực tiếp gia đình thăm hỏi, tư vấn cho bố mẹ, người giám hộ đối với những trường hợp đang rèn luyện, tu dưỡng tại trường để động viên gia đình cần quan tâm, động viên, thăm hỏi các em nhiều hơn nữa để các em yên tâm học tập, rèn luyện tại trường.

Trong thời gian tới, “Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát, tư vấn trẻ trong thời gian học tập tại trường giáo dưỡng, đồng thời lập danh sách trẻ ra trường trong năm 2012 để tiếp tục thực hiện các hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em, người chưa thành niên VPPL trong và sau giáo dưỡng” - anh Hoà nhấn mạnh.

Lưu Linh