Thứ tư, 30/04/2025, 6:36 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Chàng thanh niên và hoài bão làm giàu từ nghề nuôi tắc kè

Học xong cấp III, trong khi phần lớn bạn bè cùng trang lứa chọn con đường học tiếp lên cao đẳng, đại học hoặc học nghề trước khi chính thức bước vào cuộc sống tự lập, thì chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Thành ở thôn Lưỡng Kỳ, xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ lại quyết định lập nghiệp sớm ngay trên mảnh đất quê hương bằng nghề nuôi tắc kè.

Nguyễn Văn Thành bên chuồng nuôi tắc kè.
Nguyễn Văn Thành bên chuồng nuôi tắc kè.

Thành cho biết: “Từ nhỏ ở nhà, cha tôi thường hay mua tắc kè của những người đi rừng bắt được đem về nuôi chơi. Dần dần, thú chơi của cha đã truyền sang tôi không biết từ lúc nào”. Nhận thấy rất nhiều người có nhu cầu mua tắc kè về làm thuốc trong khi đó ở địa phương lại chưa có cơ sở hay hộ gia đình nào nuôi tắc kè thương phẩm. Do đó, Nguyễn Văn Thành nuôi ý định sẽ đầu tư nuôi tắc kè, vừa được thoả mãn niềm ham mê, vừa phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thành khăn gói đi học hỏi kinh nghiệm của một số cơ sở nuôi tắc kè lâu năm ở tỉnh Bắc Giang, đồng thời lên mạng internet tìm hiểu thêm kinh nghiệm từ nhiều người khác. Nguyễn Văn Thành tâm sự: “Kinh nghiệm của một người, một cơ sở thôi không đủ; và kinh nghiệm của mỗi người không phải lúc nào cũng đúng, vì vậy phải biết chắt lọc cái đúng cái sai để áp dụng cho hiệu quả”. Do đã từng nuôi tắc kè vài năm, tuy chỉ là nuôi chơi nhưng cũng giúp Thành có một số kinh nghiệm thực tế, từ đó nắm bắt nhanh hơn, “gạn đục khơi trong” tốt hơn những kiến thức học được. Được sự động viên, ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, Thành mua hơn 100 con tắc kè giống tự nhiên ở địa phương về nuôi, ngay trong năm, số tắc kè này đã sinh sản lứa đầu tiên. Toàn bộ số trứng thu được, Thành cho ấp nở và đã thành công. Thành cho biết: “Tắc kè là loài vật dễ nuôi, ít bị dịch bệnh; chỉ cần hiểu tập tính sinh sống của chúng, đảm bảo nguồn giống phù hợp và thức ăn đầy đủ là sẽ thành công”.

Mới bắt đầu nuôi khoảng một năm, mặc dù đã xuất bán hơn 100 con tắc kè với giá 200.000 đồng/con nhưng đàn tắc kè của Nguyễn Văn Thành vẫn còn khoảng 250 con. Theo Thành, đầu ra của con tắc kè rất khả quan chỉ cần “đánh tiếng” là sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua, bán bao nhiêu cũng mua hết. “Tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô  nuôi vì đây sẽ là con đường để tôi  phát triển kinh tế, làm giàu” - Nguyễn Văn Thành nói.

Phương Loan (Đài Hoành Bồ)