Nhận diện từ tầm nhìn chiến lược
Để thoát khỏi “tư duy đất liền”, mở “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu, theo cách tiếp cận mới tạo bước đột phá về tư duy, tỉnh Quảng Ninh đã xác định, nhận diện lại bắt đầu từ xây dựng chiến lược, quy hoạch. Theo đó, tỉnh đã chủ động điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, các quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của 12/14 huyện, thị xã, thành phố ven biển trong giai đoạn 2001-2010 đều đã được điều chỉnh, bổ sung giữa kỳ. Riêng TP Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố cửa khẩu Quốc tế; Vân Đồn được Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng nội dung định hướng trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo và ven biển của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch Khu kinh tế quốc phòng Cô Tô (nay là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo Cô Tô đến năm 2020 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt)...
![]() |
Cảng Cái Rồng (Vân Đồn). Ảnh: Đỗ Giang |
Đặc biệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được nhận diện lại trong tầm nhìn cao hơn, đặt rộng hơn trong xu thế phát triển của quốc tế với sự tham gia của tư vấn là Tập đoàn Mc Kinsey (Mỹ), Nikken Sekkei (Nhật Bản). Đến nay Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đang bước vào giai đoạn hoàn tất và trong năm 2013 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sẽ được hoàn thành. Đồng thời với việc triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã chỉ đạo triển khai rà soát, xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu cho phù hợp. Cùng với đó các quy hoạch quan trọng tạo nền cho sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực được tập trung triển khai như Quy hoạch sử dụng tài nguyên và đất đai, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ...
Hạ tầng tốt để thu hút đầu tư
Tính đến hết năm 2012 tổng nguồn vốn đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế biển của tỉnh hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn tập trung lớn cho đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh trên biển đảo và vùng ven biển đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng tạo nền tảng để kêu gọi thu hút vốn đầu tư xây dựng. Đến nay hệ thống đường trên các xã đảo bao gồm đường nhựa và bê tông, chưa kể một số đường liên thôn xóm đã được đầu tư nâng cấp, các xã đảo như Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen, Thắng Lợi (Vân Đồn), Thanh Lân (Cô Tô), Cái Chiên (Hải Hà) đều được xây dựng bến cập tàu và đường dẫn. Riêng với huyện đảo Cô Tô sau khi dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ được đầu tư tại huyện hoàn thành, hiện tỉnh đang khẩn trương để đẩy nhanh dự án đưa điện lưới ra huyện đảo, xây dựng cơ chế chính sách đưa dân ra đảo Trần sinh sống tiến tới thành lập đơn vị hành chính tại đây. Không chỉ hạ tầng kỹ thuật mà hạ tầng xã hội phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân ở các vùng biển đảo cũng đã được đầu tư, vì vậy đến nay các đảo có dân sinh sống đã có điện thoại cố định và sóng điện thoại di động phủ khắp các đảo.
Riêng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ven biển, đã hoàn thành việc nâng cấp các thị xã Uông Bí, Cẩm Phả lên thành phố, thành lập TX Quảng Yên và đang tập trung xây dựng và tiếp tục nâng cấp một số đô thị như Tiên Yên, Hạ Long, Móng Cái nhằm phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài những mục tiêu phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng chuỗi đô thị Móng Cái - Hải Hà kết nối với các khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế và khu công nghiệp cảng biển… Kết cấu hạ tầng đô thị được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn là thành phố hiện đại trong tương lai, theo quy hoạch các khu đô thị này là thành phố biển mang đậm nét của thành phố phục vụ cho thương mại và phát triển du lịch; gắn liền với các khu đô thị mới là hệ thống đường bao biển như: Đường bao biển Hùng Thắng, Lán Bè - Cột 8 và đường bao biển Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), đường Trà Cổ - Tràng Vỹ (Móng Cái)… Đi cùng với các khu đô thị mới này là các trung tâm vui chơi giải trí, trung tâm thương mại như: Khu du lịch giải trí quốc tế Tuần Châu, Công viên Hoàng Gia (Hạ Long); Sân golf Vĩnh Thuận (Móng Cái)…
Đồng chí Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Mạnh từ biển, giàu từ biển - đây là mục tiêu mà tỉnh đang tập trung để đạt được, tuy nhiên, để có được sức mạnh tạo sự đột phá cho “tư duy đại dương”, Quảng Ninh cần có những cơ chế riêng và đặc thù để thúc đẩy phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng biển đảo.
Ngọc Lan