Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, đầu năm 2002, tôi mới đi làm, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức một buổi gặp mặt các sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa tìm được việc làm. Sau buổi gặp gỡ ấy, nhiều người đã được giới thiệu làm việc hoặc tìm được cơ hội làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh. Trong số đó, đến nay tôi biết hai đồng chí, một hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh và người còn lại là Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh. Sau lần đầu gặp gỡ các trí thức trẻ, tỉnh đã chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thu hút nhân tài. Đáng chú ý là năm 2004, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2871 về ban hành chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút nhân tài. Sau 8 năm thực hiện, vào kỳ họp giữa năm ngoái, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết, sau đó UBND tỉnh ra Quyết định số 2239 để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2871 theo hướng hỗ trợ nhiều hơn.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành xem thông tin về các trí thức trẻ đăng ký tham dự chương trình gặp mặt, đối thoại với lãnh đạo tỉnh. Ảnh: Ngọc Hà |
Thế nhưng, sau một năm thực hiện, nói như một số trí thức trẻ trong phiếu gửi về tỉnh đợt này, chính sách thu hút nhân tài của tỉnh tuy đã có nhưng mới chỉ dừng lại trên giấy. Chính sách này chưa đi vào cuộc sống bởi nó chưa được tuyên truyền rộng rãi đến các đối tượng cần thu hút, cộng với đó còn những nguyên nhân khác, như biên chế của tỉnh không được tăng, trong khi các vị trí công tác hầu như đã kín chỗ, v.v.. và v.v.. Để thực hiện được việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Quảng Ninh cơ bản thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ hiện đại vào năm 2015 và đến năm 2020 thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp hiện đại, tỉnh đang nỗ lực, tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định. Và có lẽ buổi gặp mặt, đối thoại với các trí thức của lãnh đạo tỉnh đợt này chính là sự cụ thể hoá, tháo gỡ nút thắt cho khâu đột phá chiến lược thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cho biết, chỉ sau hơn một ngày thông báo về buổi gặp mặt, đã có trên 100 bạn trẻ tốt nghiệp ĐH, trên ĐH từ loại khá trở lên, gửi phiếu đăng ký tham dự chương trình về Ban Tổ chức qua hộp thư điện tử. Hầu hết các bạn đăng ký tham dự chương trình quê ở Quảng Ninh. Quá trình, thành tích học tập rất đáng khâm phục, nhiều bạn tốt nghiệp loại giỏi, tốt nghiệp hai chuyên ngành ở hai trường khác nhau. Có bạn tốt nghiệp loại xuất sắc, thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp. Tiêu biểu như bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 1990, trú ở khu 1, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí) tốt nghiệp loại xuất sắc ngành quản trị tài chính, hiện theo học năm cuối chương trình đào tạo thạc sĩ tại Trường ĐH Á Châu (Đài Loan). Hiền chia sẻ, tầm này sang năm em sẽ tốt nghiệp và rất mong muốn được về làm việc, cống hiến ở quê hương Quảng Ninh. Cùng SN 1990, Nguyễn Mai Anh (khu 3, phường Trưng Vương, TP Uông Bí) tốt nghiệp ĐH loại giỏi, là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp ngành quản trị logistics và vận tải đa phương thức. Bên cạnh trình độ chuyên ngành, khả năng tin học và ngoại ngữ tốt, Mai Anh tiết lộ còn là võ sĩ Taekwondo có hạng. Mai Anh mong muốn được làm việc ở Sở GT-VT hoặc được làm việc ở vị trí phù hợp với chuyên môn được đào tạo ở Quảng Ninh.
![]() |
Cán bộ, công chức các cơ quan của tỉnh tham gia học tiếng Anh theo chương trình 422 tại Trung tâm GDTX và đào tạo cán bộ tỉnh. |
Tôi cũng đặc biệt ấn tượng khi đọc đến phiếu tham gia chương trình của Phan Hoành Sơn (SN 1986, thường trú Bãi Cháy). Sơn không chỉ tốt nghiệp loại giỏi ở cả 2 trường ĐH trong nước: Học viện Bưu chính viễn thông (ngành quản trị kinh doanh) và ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (ngành tiếng Anh), mà đến khi học thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh ở nước ngoài (ĐH Leeds - Vương quốc Anh), Sơn cũng lấy được bằng tốt nghiệp loại giỏi. Hiện Sơn làm nghiên cứu sinh tại ĐH Leeds. Dù đang làm Giám đốc đào tạo của Tổ chức giáo dục thanh niên quốc tế (ISIC International) và trưởng dự án BQL Dự án nâng cao nhận thức cho làng chài trẻ em Hạ Long, nhưng Sơn vẫn mong muốn được về làm việc, cống hiến cho quê hương Quảng Ninh. Bạn Dương Thị Hồng Ngân (SN 1987) tuy không quê Quảng Ninh, nhưng đang làm dâu ở Hoành Bồ, rất muốn thông qua chương trình này sẽ tìm được cơ hội làm việc, cống hiến ở quê hương thứ hai của mình. Hồng Ngân là cử nhân ngành tiếng Anh loại giỏi. Cô gái quê đất Tổ này từng là giáo viên ở Phú Thọ và nguyện vọng giờ đây của Hồng Ngân là có việc làm mới liên quan đến chuyên ngành được đào tạo.
Đáng khâm phục là không chỉ những bạn được đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, hoặc đi du học ở nước ngoài, mà nhiều bạn học ĐH trong nước cũng tích luỹ được vốn ngoại ngữ rất đáng khâm phục. Phạm Thị Thuỳ Ninh (SN 1991, thôn 5, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà) không chỉ giỏi về kiến thức chuyên ngành (tốt nghiệp xuất sắc ngành tài chính - ngân hàng, ĐH Công nghiệp Hà Nội), mà còn giỏi cả ngoại ngữ tiếng Anh. “Siêu” thế, nhưng khi trình bày nguyện vọng, Ninh chỉ mong muốn được bố trí làm việc đúng chuyên môn ở quê hương Hải Hà. Còn nhiều, nhiều lắm những ấn tượng, thú vị về các trí thức trẻ quê Quảng Ninh. Hy vọng là ước mơ của các bạn sớm thành hiện thực, để góp sức xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh.
Ngọc Hà