![]() |
Xưởng chế biến dăm gỗ thuộc Công ty TNHH Xuân Trường giúp rất nhiều lao động trên địa bàn có việc làm. |
Từ trồng rừng
Mặc dù không có diện tích đất rừng, song nhờ rừng, người dân khu 8, thị trấn Trới (Hoành Bồ) vẫn “ăn nên, làm ra” từ việc ươm cây giống để cung cấp cho thị trường của huyện. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường, tổ 3, khu 8 phát triển vườn ươm cây giống từ năm 2002, đến nay, mỗi năm chị ươm 70-80 vạn cây. Chị cho biết: “Bà con trong khu bảo ban nhau làm ăn, giúp nhau tìm mối tiêu thụ. Ngoài cung cấp keo giống trên địa bàn huyện, chúng tôi còn cung cấp giống cho nhiều hộ trồng rừng ở Cẩm Phả. Nghề này không chỉ giúp gia đình tôi mà còn giúp rất nhiều gia đình ở đây có thu nhập trang trải cuộc sống”. Riêng tổ 3, khu 8, thị trấn Trới đã có khoảng chục hộ có vườn ươm cây giống phục vụ trồng rừng.
Nhắc đến Hoành Bồ, nhiều người vẫn có ý nghĩ đây là nơi “toàn rừng với núi”, làm sao có thể phát triển mạnh về kinh tế. Thế nhưng, chính quyền và nhân dân Hoành Bồ thì lại xác định đây là ưu đãi lớn của tự nhiên. Từ đó, dành nguồn lực và tâm sức để đầu tư trồng, chăm sóc, phát triển rừng. Đưa nghề rừng thành ngành nghề có thu nhập cao, trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội là điều mà Hoành Bồ đã và đang hướng tới... |
Với địa bàn không có rừng đã vậy, còn những xã có rừng, việc trồng, phát triển rừng càng sôi động hơn. Trong số hơn 65.000ha diện tích đất rừng trên địa bàn toàn huyện thì diện tích rừng trồng chiếm khoảng 31.000ha. Anh Bùi Xuân Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Trước đây bà con trên địa bàn chủ yếu đi khai thác rừng tự nhiên, sau đó chuyển sang trồng rừng. Lúc đầu, bà con tập trung trồng bạch đàn là chính, song không hiệu quả. Một số hộ dân đi học tập mô hình ở các nơi về áp dụng trồng keo, trồng quế. Từ đó keo đã trở thành loại cây chính trong phát triển trồng rừng trên địa bàn huyện. Đây còn là loại cây trồng giúp người dân các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện giảm nghèo, làm giàu”.
Để giúp người dân, hàng năm, huyện, xã đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, giới thiệu loại giống cây tốt. Do mô hình hiệu quả nên người dân đầu tư trồng rừng rất mạnh. Năm 2011 và 2012, diện tích rừng trồng mới ở Hoành Bồ lên tới 3.832ha. Từ đầu năm 2013, toàn huyện trồng mới thêm 1.550ha rừng; trong đó 1.380ha do dân trồng, 170ha do Lâm trường huyện trồng. Diện tích rừng trồng ngày càng nhiều nên sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của huyện ngày càng tăng. Riêng 5 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác gỗ của huyện được 20.500 khối, khai thác 80 tấn vỏ quế, 85 tấn nhựa thông, ngoài ra còn củi khô, tre, dóc các loại. Không chỉ cung cấp gỗ phục vụ khai thác mỏ, huyện còn cung cấp gỗ phục vụ chế biến ván dăm xuất khẩu. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 6 xưởng chế biến gỗ, dăm gỗ trên địa bàn. Sản lượng gỗ xẻ của huyện từ đầu năm 2013 đến nay được 3.150m3, 134.000 tấn dăm gỗ. Rừng đã giúp huyện giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện tập trung vận động người dân khai thác đúng độ tuổi rừng keo (5-7 năm) để giúp đất rừng tái tạo dinh dưỡng. Đồng thời vận động một số hộ dân chuyển đổi sang trồng thông, trồng cây sơn ta để lấy nhựa. Đây là loại cây cần đầu tư thời gian khoảng 10 năm nhưng có thể khai thác trong vòng từ 50-60 năm. Nhờ đó, đất rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Đến giữ rừng
Ngoài rừng trồng, trên địa bàn huyện Hoành Bồ còn có cả rừng phòng hộ, rừng bảo vệ với tổng diện tích khoảng 31.000ha, tập trung ở các xã: Tân Dân, Bằng Cả, Quảng La, Dân Chủ, Hoà Bình, Đồng Lâm, Đồng Sơn, Vũ Oai, Kỳ Thượng. Đây không chỉ là lá phổi xanh của huyện mà còn là nơi để bảo vệ nguồn nước cho vùng: Hạ Long, Quảng Yên, Cẩm Phả; bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chính bởi vậy, công tác bảo vệ rừng cũng được huyện chú trọng.
Huyện đã tiến hành rà soát, đề xuất tỉnh giao lại một số diện tích đất rừng không ảnh hưởng đến hồ chứa nước, đến khu bảo tồn để giao lại cho những hộ dân sinh sống lâu đời tại khu vực này trồng rừng, tránh tình trạng khai thác rừng bừa bãi. Bên cạnh đó, hàng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Hoành Bồ phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng và chính quyền các xã tăng cường kiểm tra ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép lâm sản trên địa bàn. Từ đầu năm 2012 đến hết tháng 5-2013, toàn huyện đã bắt giữ 80 vụ, trong đó 26 vụ mua, vận chuyển lâm sản trái phép, 1 vụ khai thác, 4 vụ phá rừng trái phép, 49 vụ vi phạm khác. Trong số này có 73 vụ bị xử lý vi phạm. Qua đó, huyện đã tịch thu hơn 137m3 gỗ tròn, hơn 3m3 gỗ xẻ, 12,8 ster củi (1 ster tương đương khoảng 0,6-0,7m3 gỗ), 50kg nhựa thông. Mặt khác, huyện còn giao diện tích rừng phòng hộ cho một số hộ dân để khoanh nuôi bảo vệ.
Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, cùng với phong trào trồng rừng trên địa bàn ngày càng phát triển đã giúp tỷ lệ che phủ đất rừng trên địa bàn Hoành Bồ mở rộng, năm 2010 khoảng 61% thì đến nay đã lên tới 63%. Song quan trọng hơn những cánh rừng xanh của huyện đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định, phát triển, xoá dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Tiếng nói người trong cuộc Đồng chí Triệu Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ: “Đưa rừng trở thành một trong những thế mạnh của huyện” Hoành Bồ là huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn. Bởi vậy, việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của địa phương. Những xã có đất lâm nghiệp giao cho hộ dân, không chỉ giữ được rừng, phát triển thêm diện tích rừng mà còn mang lại thu nhập cho bà con. Nhờ vậy, đời sống của bà con, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện được nâng lên nhiều. Bên cạnh rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng bảo vệ nơi đây cũng rất quan trọng. Nó không chỉ bảo vệ nguồn nước, môi trường của huyện mà của cả nhiều địa phương trong tỉnh. Bởi vậy, huyện tích cực bảo vệ, phát triển đồng bộ 3 loại rừng. Một mặt, chúng tôi chỉ đạo các ban, ngành, các xã chủ động phối hợp cùng lực lượng chức năng làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng bộ, rừng bảo tồn. Mặt khác, huyện tiếp tục có những định hướng giúp bà con nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng trên địa bàn. Chúng tôi tiếp tục đưa rừng trở thành một trong những thế mạnh để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển bền vững. Chị Bùi Thị Trang, tổ 3, khu 8, thị trấn Trới: “Rừng giúp bà con có công ăn, việc làm” Trước đây, khi rừng chưa phát triển, chúng tôi chủ yếu trồng rau màu để bán, thu nhập bấp bênh. Từ ngày có phong trào trồng rừng, các hộ dân không có đất lâm nghiệp cũng được nhờ. Rừng thực sự tạo công ăn, việc làm cho bà con. Hộ nào có điều kiện thì làm vườn ươm cây giống. Hộ nào không có điều kiện thì đi đóng bầu thuê với giá 50.000 đồng/1.000 bầu; hoặc đi đảo đất ươm giống cũng được 120.000 đồng/ngày. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các hộ ươm cây giống tự học hỏi kinh nghiệm để làm. Bởi vậy, để nâng cao chất lượng cây giống, tôi mong huyện quan tâm hơn đến việc tập huấn kỹ thuật ươm cây giống, kịp thời giới thiệu những giống cây rừng mới để bà con theo kịp với định hướng phát triển rừng của huyện. Đồng chí Linh Du Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, Hoành Bồ: “Người dân sống chủ yếu dựa vào rừng” Xã Đồng Lâm có 613 hộ; trong đó, trên 90% hộ sống dựa vào nguồn thu nhập từ trồng rừng. Rừng không chỉ trồng keo mang lại kinh tế mà còn là nơi người dân chăn thả trâu bò, khai thác cây thuốc, mật ong và những nguồn lợi khác. Kể từ khi giao đất giao rừng cho các hộ dân đến nay đã là hai mươi năm, gia đình nào cũng trồng từ 4 đến 5 lứa keo rồi. Hiện nay, thị trường keo băm dăm làm giấy vẫn còn đang có giá, người dân có thể tiếp tục duy trì trồng loại cây này. Tuy nhiên, cũng rất mong các ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá thêm các loại cây rừng khác phù hợp để người dân có thêm lựa chọn. Đây cũng là sự chuẩn bị để sau này, nhỡ thị trường cây keo xuống giá hoặc nhu cầu giảm thì người dân cũng chủ động chọn trồng, phát huy hết tiềm năng đất rừng địa phương. Anh Đỗ Văn Sênh, thôn Đồng Giữa, Sơn Dương, Hoành Bồ: “Mỗi người dân cần có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng” Mỗi gia đình ở xã tôi nhà nhiều, nhà ít đều có vài ha rừng trồng keo. Mấy năm gần đây, nhiều bà con có thói quen thả hoang trâu, bò trên rừng nên trâu, bò quần phá, làm gẫy nhiều keo, nhất là khu vực keo mới trồng 1, 2 năm đầu. Rừng ở xa, khó trông coi, nếu có trồng dặm lại những cây bị phá cũng khó. Rồi việc bà con trồng keo thu hoạch non thỉnh thoảng cũng vẫn còn. Việc làm đường để ô tô vào rừng chở keo đôi khi cũng làm xói mòn đất v.v.. Để rừng tồn tại bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi nghĩ mỗi người, mỗi hộ dân đều phải có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng, giữ rừng của chung cũng như của gia đình mình vậy… Cầm Khuê - Hoàng Nhi (Thực hiện) |