Thứ ba, 29/04/2025, 19:39 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Chủ động phòng, chống thiên tai: Huy động sức mạnh tại chỗ

LTS: Là địa phương có nhiều sông suối, núi cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt phức tạp, cộng với trên 35km đê biển, Tiên Yên luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt và vỡ đê mỗi khi mùa mưa bão tới. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và của, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) luôn được huyện chủ động ứng phó...

Mùa mưa bão năm 2012, cả nước có 10 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; trong đó, 2 cơn bão đã đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh nói chung và huyện Tiên Yên nói riêng. Theo thống kê của huyện thời điểm ấy, tổng thiệt hại trên địa bàn huyện do mưa bão gây ra ước tính 8,8 tỷ đồng. Tuy con số này chưa lớn so với địa phương khác nhưng cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Bởi vậy, công tác phòng chống lụt bão luôn được xác định là trọng tâm hàng đầu, khi mà tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp.

Cán bộ và nhân dân huyện Tiên Yên gia cố lại tuyến đê Đông Nam (xã Đông Ngũ) để đối phó với cơn bãi số 2 năm 2013. Ảnh: Xuân Thao (Đài Tiên Yên)
Cán bộ và nhân dân huyện Tiên Yên gia cố lại tuyến đê Đông Nam (xã Đông Ngũ) để đối phó với cơn bãi số 2 năm 2013. Ảnh: Xuân Thao (Đài Tiên Yên)

Hậu trận lũ lịch sử năm 2008

Cho đến bây giờ, mỗi khi mùa mưa bão đến người dân huyện Tiên Yên lại giật mình nhớ lại trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn từ năm 2008, như một lời nhắc nhở nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Con lũ năm ấy là lớn nhất trong lịch sử hàng trăm năm của huyện. Đồng chí Vũ Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tiên Yên bùi ngùi nhớ lại: “Quả thật, trận lũ năm 2008 đã gây cho huyện những thiệt hại vô cùng lớn cả về kinh tế và xã hội. Mặc dù huyện đã chỉ đạo tích cực; phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và nhân dân để phòng, chống lũ, nhưng do lượng mưa lớn trên diện rộng, cộng với nước triều cường và nước từ thượng nguồn của các con sông chảy qua Tiên Yên đổ về quá nhanh nên mọi sự chuẩn bị, phòng tránh, tìm kiếm cứu nạn đều nằm ngoài phương án, kế hoạch đã định”. Tuy không gây thiệt hại về người song cơn lũ này đã càn quét, tàn phá hàng trăm ha cây trồng nông - lâm nghiệp; 25 công trình đê, hồ, đập; cuốn trôi rất nhiều tài sản của nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp... ước tính tổng thiệt hại trên 256 tỷ đồng. Ngay sau khi nước lũ rút, huyện đã quyết liệt tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả với tinh thần cao nhất. Mục tiêu trọng tâm số 1 là không để người dân bị đói, không có nhà cửa để ở và sớm khôi phục, ổn định sản xuất...

Nhắc lại trận lũ lịch sử này để khẳng định thêm rằng, huyện Tiên Yên với địa hình phức tạp thì vấn đề lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt luôn luôn tiềm ẩn. Ngay cả khi có sự chuẩn bị khá kỹ càng về nhân lực, vật lực thì vẫn khó có thể đảm bảo mưa lũ không gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng, ngoài dự tính.

Không chủ quan

Nhìn lại công tác PCTT&TKCN của huyện Tiên Yên những năm qua có thể thấy, huyện đã và đang duy trì có hiệu quả sự gắn kết chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn. Ngoài sự chủ động trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của huyện, mỗi đơn vị, từ bộ đội, công an, bệnh viện đến doanh nghiệp, người dân đều có sự chủ động về nhân lực, vật lực và các phương án PCTT&TKCN của huyện. Có những đơn vị thường trực cả trăm người được  trang bị thiết bị, vật tư trị giá hàng tỷ đồng sẵn sàng tham gia ứng cứu bão lũ. Riêng mùa mưa bão năm 2012, có trên 40 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia gia cố đê, khắc phục sự cố sạt lở, tắc đường. “Nhờ có sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp nên công tác PCTT&TKCN của huyện được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả”- đồng chí Tạ Quang Sáng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện nhấn mạnh.

Đối với mùa mưa bão năm nay, căn cứ vào kết quả dự báo tình hình bão lũ có thể diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 4-2013, huyện đã chủ động đưa ra giả định về một số địa điểm trọng yếu có thể xảy ra những bất trắc. Như: Vỡ đê sông Hà Tràng Tây (xã Đông Hải); các tuyến đê bao xã Đồng Rui; sạt lở núi khu phố Long Châu (thị trấn)... Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể; trong đó, đặc biệt chú trọng  huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, huyện vận động bà con khẩn trương thu hoạch cây lúa và hoa màu, vật nuôi; khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét... Trong năm 2012, huyện đã di dời được 16 hộ dân thuộc 5 xã: Đại Dực, Đại Thành, Yên Than, Điền Xá, Phong Dụ, với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Trong năm 2013 này, huyện tiếp tục di dời 19 hộ gia đình đến nơi ở mới an toàn.

Không chỉ vậy, huyện còn tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đê biển như: tuyến đê Hà Dong (xã Hải Lạng); tuyến đê xã Đồng Rui; tuyến đê Đông Nam (xã Đông Ngũ). Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thuỷ, huyện đang tích cực hoàn thiện dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá tại thôn Cái Mắt, xã Tiên Lãng với sức chứa khoảng trên 200 tàu thuyền.

Có thể thấy rằng, với việc huy động sức mạnh tổng lực từ các đơn vị và nhân dân, huyện Tiên Yên luôn sẵn sàng các phương án để ứng phó với diễn biến thất thường của thiên tai, từ đó khắc phục kịp thời hậu quả, sự cố do bão lũ gây ra.

Lan Anh

Để phòng, chống thiên tai hiệu quả

* Trưởng Phòng NN&PTNT Nguyễn Trung Bang: “Mọi phương án, kế hoạch đều được xây dựng chi tiết, cụ thể”

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước có thể thấy nguy cơ tiềm ẩn thiên tai là rất lớn và khó đoán do địa hình và diễn biến phức tạp của thời tiết. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và điều kiện phát triển kinh tế của bà con... Chính vì thế, tuỳ vào thực tế, mỗi năm chúng tôi đều có những cách làm riêng để hạn chế thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Đặc biệt, chúng tôi luôn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT&TKCN. Nhờ đó Tiên Yên luôn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và các công trình trọng yếu do thiên tai gây ra.

* Phó Chủ tịch UBND xã Yên Than Nguyễn Văn Hạnh: “Rà soát kỹ vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét”

Xã Yên Than có rất nhiều khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao về sạt lở, lũ quét, như: thôn Nà Lộc, thôn Phố Cũ... Vậy nên, trước mỗi mùa mưa bão, chúng tôi đều chủ động rà soát kỹ từng hộ dân trên địa bàn huyện; đồng thời, theo dõi sát diễn biến của thời tiết và thông báo thường xuyên cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó. Đặc biệt, xã cũng đã huy động được nguồn nhân lực lớn trong nhân dân tham gia vào công tác này. Trong đó phải kể đến sự vào cuộc tích cực từ phía các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, luôn luôn sẵn sàng cung cấp xe tải, máy móc... ứng cứu khi có thiên tai. Bên cạnh đó, thời điểm này chúng tôi cũng đang vận động người dân khẩn trương thu hoạch cây lúa, hoa màu và vật nuôi trồng thuỷ sản.

* Anh Trần Văn Thành, thôn Trung, xã Đồng Rui: “Thông báo kịp thời, chính xác tình hình thiên tai trên phương tiện thông tin đại chúng”

Trước mỗi mùa mưa bão, gia đình tôi luôn chủ động bằng nhiều cách để gia cố lại ngôi nhà như: chuẩn bị bao đất, phát quang cây cối, chằng buộc nhà cửa... Cùng với đó, tôi cũng tích cực với tổ chức Đoàn Thanh niên bốc vác đất, đắp đê để chống tràn nước khi bão về. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở xã, nhiều hộ dân nằm xa điểm phát thanh nên không chủ động được các biện pháp chống bão kịp thời. Vì vậy, tôi rất mong chính quyền địa phương có cách nào đó để thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình, diễn biến của cơn bão, đặc biệt là những cơn bão lớn để bà con chủ động hơn trong việc bảo vệ tài sản của gia đình. Đặc biệt, khi mưa bão xảy ra, chính quyền địa phương cần cử đội kiểm tra xuống từng thôn, bản để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân chủ động đối phó với cơn bão, tránh được những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. 

* Giám đốc Xí nghiệp thuỷ nông Tiên Yên Sềnh A Giểng: “Sẵn sàng nhân lực, vật lực trước và trong mùa mưa bão”

Đơn vị chúng tôi hiện quản lý 2 hồ là Hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ) và hồ Hải Yên (Hải Lạng) cùng với 9 đập dâng nước trên sông. Để hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại trong mùa mưa bão, chúng tôi luôn xác định, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tập trung cao độ trước và trong mùa mưa bão; huy động lực lượng thanh niên, chuẩn bị trang thiết bị vật chất cứu hộ, cứu nạn để chủ động đối phó khi bão đến. Trước cơn bão số 3, chúng tôi cũng đã chuẩn bị được 68 lõi thép, 300 bao dứa, đất, đá… sẵn sàng phản ứng kịp thời trước mọi tình huống có thể xảy ra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết, sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để công tác phòng chống lụt bão được triển khai có hiệu quả hơn.

Lan Anh - Lưu Linh (Thực hiện)