Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, đến hết năm 2011, trên địa bàn tỉnh có khoảng 47 sàn giao dịch, trung tâm môi giới, văn phòng mua bán nhà đất hoạt động, tập trung ở các đô thị lớn: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Trong số 16 sàn giao dịch BĐS đăng ký với Sở Xây dựng thành lập và hoạt động thì có 14 sàn được đưa lên website của mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng những đơn vị có đăng ký để hành nghề kể trên chỉ là “tảng băng nổi” trên thị trường BĐS. Thực tế, số lượng trung tâm môi giới nhà đất không giấy phép hoạt động trên địa bàn giai đoạn từ năm 2008 đến 2011 rất nhiều, lên tới con số hàng trăm.
![]() |
Khu vực chung cư, nhà cao tầng tại phường Bạch Đằng (TP Hạ Long). |
Có một nghịch lý là ngay trong giai đoạn cực thịnh của thị trường BĐS, trong khi số lượng người hành nghề môi giới nhà đất trên địa bàn tỉnh có thể nói là khá nhiều, nhưng số lượng được cơ quan quản lý cấp chứng chỉ hành nghề thì rất hiếm hoi. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2012, sở này chỉ cấp 15 chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; 8 chứng chỉ hành nghề định giá BĐS cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Về quy mô cũng như trình độ chuyên môn nói chung của nhân viên đang hoạt động tại các trung tâm môi giới là rất hạn chế. Chính vì vậy khi thị trường BĐS gặp khó khăn, gần như tất cả những trung tâm môi giới nhỏ lẻ, làm ăn theo kiểu “chộp giật” nhất thời, nhân viên kém chuyên môn, hoạt động chủ yếu là môi giới sản phẩm gửi đã phải đóng cửa vì không có khách. Ngay đến các sàn lớn hiện nay cũng phải thu hẹp hoạt động, đồng thời cân đối lại các khoản đầu tư, chi phí để tồn tại.
Tại hội thảo về nhà đất diễn ra mới đây tại Tuần Châu (TP Hạ Long) nhiều nhà đầu tư BĐS đều có chung một nhận định: “Đến thời điểm này, nhà đầu tư không nên trông cậy vào những trung tâm giao dịch nhỏ lẻ manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp nữa. Bởi các trung tâm này không có đủ chuyên môn tư vấn cho nhà đầu tư mà chỉ chạy theo lợi nhuận nhất thời. Điều này có thể dẫn đến việc định hướng đầu tư sai, tốn tiền vô ích”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, thành viên Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS tỉnh cho biết: “Muốn thị trường BĐS phát triển bền vững cần thiết phải minh bạch hoá và chuyên môn hoá thị trường này trong nhiều khâu. Từ cấp quản lý đến hoạt động của các sàn giao dịch, trung tâm môi giới nhà đất. Thậm chí, đối với cả người mua cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường”.
Được biết, để minh bạch hoá và phát triển thị trường BĐS tại Quảng Ninh, trong năm 2013 Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai những hoạt động như: Kiểm tra các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư đối với một số dự án kinh doanh BĐS. Tiếp tục cấp giấy chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá và thành lập sàn giao dịch BĐS. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý có liên quan trong trường hợp giải quyết quá chậm so với thời hạn quy định hoặc gây phiền hà cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất… Hy vọng, với những giải pháp này thị trường BĐS địa phương sớm khởi sắc.
Hồng Nhung