Thứ tư, 30/04/2025, 12:40 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Cú huých nền tảng vẫn là cơ chế chính sách

(Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)



- Thưa đồng chí, có thể hình dung bức tranh về hoạt động dịch vụ thương mại của tỉnh trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

+ Có thể thấy rằng trong những năm gần đây hoạt động dịch vụ của tỉnh phát triển đa dạng và có mức tăng trưởng cao. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông,... ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Theo tính toán của Sở Công thương ước trong 3 năm (2011, 2012, 2013), giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ là 11,74%/năm. Đặc biệt, thương mại nội địa có bước phát triển về chất và được mở rộng ở cả 3 khu vực: thành thị, nông thôn, miền núi. Hệ thống các chợ loại I, loại II và phát triển một số trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng đã định hướng và quy hoạch lại, trong đó: Siêu thị Metro đã đi vào hoạt động, siêu thị BigC đang được đầu tư.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu do chịu tác động từ chính sách biên mậu thay đổi và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên có phần không được sôi động như giai đoạn trước đây. Có thể thấy rằng  dù kinh tế khó khăn, các ngành công nghiệp chủ lực giảm, hoạt động biên mậu đình trệ, song với nhiều biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới cơ cấu kinh tế, sắp xếp tổ chức và khai thác có hiệu quả các ngành dịch vụ, nhất là quản lý khai thác Vịnh Hạ Long… do đó giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong điều kiện kinh tế khó khăn như thời gian qua.

- Báo cáo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả 2 năm rưỡi thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang đi đúng hướng và nhanh hơn với mục tiêu đặt ra theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy trong chặng đường cần phải đi thời gian tới theo đồng chí Quảng Ninh cần làm những gì?

+ Theo con số ước của cơ quan chuyên môn năm 2013, tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm 5,05% trong GDP; công nghiệp xây dựng chiếm 50,24%; dịch vụ chiếm 44,7%. Như vậy cơ cấu kinh tế Quảng Ninh đã đi đúng hướng và nhanh hơn với mục tiêu đặt ra theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và nông, lâm, thuỷ sản. Tuy nhiên, để có thể đạt được đích đến của tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020 cần thực hiện rất nhiều nội dung công việc liên quan từ hành lang pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư… Cụ thể phải hoàn thiện Đề án và tổ chức triển khai xây dựng mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn theo quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc: Thí điểm đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về thể chế, cơ chế chính sách, quản lý điều hành và bộ máy hành chính. Đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái nhằm xây dựng và phát triển Móng Cái trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế Trung Quốc - ASEAN. Kêu gọi đầu tư nước ngoài phát triển hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại ở các huyện, thị xã, thành phố. Tập trung đầu tư xây dựng thành phố cửa khẩu Móng Cái giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc, ASEAN - Trung Quốc. Huy động nguồn lực đầu tư cho Phát triển các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, ngân hàng lớn tại TP Hạ Long gắn với phát triển du lịch và dịch vụ. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác tốt danh thắng Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, biển đảo và các khu di tích trọng điểm tạo thành các tua du lịch nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch. Xây dựng các khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp, du lịch gắn với chữa bệnh, nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch gắn với hội nghị, hội thảo… nhằm kéo dài thời gian lưu giữ khách.

Riêng về thương mại phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại ở các thành phố, thị xã và Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Hạ Long, Vân Đồn và Móng Cái, giữ vai trò cửa ngõ giao lưu chính của vành đai kinh tế với Trung Quốc và giữa Việt Nam - Trung Quốc với ASEAN. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới theo phương thức xã hội hoá sẽ huy động được tối đa nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng thương mại phục vụ cho hoạt động thương mại biên giới.

- Bên cạnh việc phát huy nội lực, theo đồng chí Quảng Ninh cần hỗ trợ gì từ ngoại lực?

+ Tỉnh đã có đề xuất báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục cho phép thực hiện các hoạt động tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan qua địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trong thời gian tới. Tạo điều kiện cho tỉnh có những cơ chế chính sách đặc thù để tạo động lực phát triển hoạt động thương mại XNK và phát huy tối đa những tiềm năng thế mạnh. Quan tâm, ưu tiên bố trí vốn ODA đưa Quảng Ninh vào danh sách ngắn, đặc biệt ưu tiên đầu tư trong năm 2013 đối với các dự án cấp thiết trong đó có dự án ưu tiên cải thiện kết cấu hạ tầng nhằm kết nối thương mại tại 4 tỉnh thuộc hành lang kinh tế phía Bắc (Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái)…

Để đạt được mục tiêu phát triển lớn đối với một địa phương ngoài sự nỗ lực của chính địa phương đó, còn rất cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương có như vậy mới tạo động lực, một cú huých thật sự cho sự thay đổi căn bản bước chuyển mình phát triển của một địa bàn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Lan Hương