Thứ ba, 29/04/2025, 19:13 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đa cảm

1. Hơn chục năm sau lần đầu tiên đến chơi nhà anh đứa em này mới trở lại. Ngẫm thật buồn cười. Nào phải xa xôi, hai anh em cùng chung thành phố. Nhưng cũng ngặt một nỗi, mấy năm nay, cả gia đình anh đã chuyển về thành phố khác. Và còn vì thêm một vài lý do con con mà cả hai anh em đều chẳng ai để ý đến. Dẫu vậy, ngôi nhà cũ của anh vẫn là chốn đi về. Là nơi đại gia đình, họ mạc sum vầy, gặp gỡ những ngày lễ, tết, giỗ chạp. “Hôm nay về nhà anh ăn cơm, anh mới về” - đứa em ngoan nghe lời và cũng không thắc mắc, dù hôm ấy chẳng phải ngày nghỉ.

Mùi hương thoang thoảng giữa trưa hè đủ cho biết lý do của bữa cơm. Đại gia đình nhà anh có mặt đông đủ, kể cả những đứa cháu đang đi làm cũng xin nghỉ. Tất nhiên, không ngoại trừ trường hợp bất khả kháng của công việc chẳng thể về. Cái gay gắt của nắng hè sau bão dường như tan biến. Những đứa trẻ lớn, bé quây quần bên nhau, ríu rít chuyện trò. Tuyệt nhiên, không có khoảng cách, không có sự phân biệt lứa tuổi giữa các anh chị lớn đã đi làm với các cô em, cậu em đang là học sinh. Bố mẹ những đứa trẻ cũng trìu mến với nhau, từ anh chị em ruột tới dâu, rể.

Khuôn mặt mẹ anh rạng rỡ. Bà kể về đứa cháu dâu - thành viên mới của đại gia đình mà không ngớt lời khen ngợi, rồi lại xuýt xoa về cô cháu nội lanh lợi, lưu loát với mơ ước làm nhà báo. Coi khách như con cháu nhà, trong bữa cơm, với những món chưa được hài lòng, bà nhẹ nhàng góp ý, chỉ dẫn. Một không khí đầm ấm, yên vui với hạnh phúc ngập tràn.

2. Từ sau lần thứ ba trở đi, nhà chị trở thành khách quen của một địa chỉ massage foot ở thành phố. Nó có “mờ ảo” hay không chẳng đáng quan tâm lắm, chỉ biết, dịch vụ ở đó tốt, không gian thư giãn sảng khoái. Các nhân viên ở đó hình như đều quê Vĩnh Long luôn dạ, thưa với khách mềm và ngọt như dừa xiêm vậy. Mỗi lần từ chỗ đó trở về, dường như cả nhà đều cảm thấy khoẻ khoắn, sảng khoái. Nhưng vẫn có một lần ngoại lệ.

Hôm ấy, sau vài ba câu chuyện thăm hỏi, cậu nhân viên bộc bạch: Em cứ làm được bao nhiêu lại gom góp về quê một chuyến, đi nhiều bữa rồi mà chuyện chưa xong. Chẳng để khách dò hỏi, cậu tự giãi bày: Bà nội em trước khi mất có để lại mười công đất. Bà thím vợ ông chú em ăn ở tệ quá chiếm cả mười công. Mà bà nội em có viết di chúc chia cho em. Kiện tụng tùm lum mà bà thím không chịu trả. Bà ấy nói: Sẽ thí cho một, hai công. Của em em phải được nhận, sao lại cần ai thí. Ngày mai, em lại về quê lo vụ này.

Ra về, những mệt mỏi cơ thể không còn nữa nhưng một nỗi buồn chẳng thể định danh len lỏi, xâm chiếm. Chỉ tại đa cảm quá chăng!

Bắc Cung