Vị trí thuận lợi, ngư trường đánh bắt rộng lớn, nguồn thuỷ sản dồi dào là những điều kiện để nghề làm mắm ở Vân Đồn phát triển. Tuy vậy, vùng có truyền thống lâu đời và phát triển mạnh nghề này lại chủ yếu tập trung ở: Quan Lạn, Cái Rồng, Đông Xá… Theo kinh nghiệm của những người thợ làm nước mắm ở đây, điểm đặc biệt nhất để tạo nên thương hiệu nước mắm Cái Rồng chính là ở khâu chế biến.
 |
Mắm Cái Rồng được chế biến chủ yếu từ cá nhâm, cá ruội. Cá tươi được rửa sạch, trộn với muối thật đều, rồi xếp vào chum, ang đậy nắp kín ủ ngoài nắng. |
 |
Thời gian ủ nắng khoảng 3 năm. Trong suốt quá trình đó, người làm mắm phải thường xuyên đảo cá cho đều. Công đoạn này sẽ quyết định chất lượng của nước mắm và đòi hỏi nhiều nhân công trong một lúc. |
 |
Khi cá đã chín thành chượp sẽ được vận chuyển vào bể lọc mắm, hoặc dùng vải mịn để lọc mắm trực tiếp. |
 |
Sau khi lọc mắm xong, sẽ tiến hành chiết mắm vào chai rồi cho vào phòng hoá nghiệm để khử trùng. Công đoạn cuối cùng là đóng hộp, phân loại mắm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. |
Chị Chu Thị Vân, người có kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề làm nước mắm tại Công ty CP Thuỷ sản Cái Rồng (có trụ sở tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: “Mắm Cái Rồng có màu cánh gián, trong, vị mặn ngọt, thơm dịu tự nhiên dễ phân biệt với các loại mắm khác trên thị trường. Để có nước mắm ngon đòi hỏi người làm mắm phải có kinh nghiệm và tay nghề cao”.
Được biết, hiện nay sản phẩm nước mắm của Công ty CP Thuỷ sản Cái Rồng đang được Sở Công thương tỉnh đầu tư phát triển nhãn hiệu tập thể. Công ty này đã tạo được việc làm cho gần 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ người/tháng.
Phạm Tăng (CTV)