Thứ ba, 29/04/2025, 20:26 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn: Vẫn là bài toán khó

Trong những năm gần đây, tỉnh đã dành sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư lớn cho khu vực nông thôn, trong đó có giải quyết về vấn đề vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng, tập quán sinh hoạt của người dân còn hạn chế, xung đột giữa phát triển sản xuất và vấn đề môi trường, nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn hiện nay vẫn là bài toán khó.

Với điều kiện sống còn nhiều khó khăn của các hộ dân ở xã Minh Cầm (Ba Chẽ) như hiện nay, rất khó để thực hiện các điều kiện về vệ sinh môi trường.
Với điều kiện sống còn nhiều khó khăn của các hộ dân ở xã Minh Cầm (Ba Chẽ) như hiện nay, rất khó để thực hiện các điều kiện về vệ sinh môi trường.

Rác thải vẫn không ngừng tăng

Vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong nhóm tiêu chí về môi trường, theo kế hoạch năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu 100% xã: Có nghĩa trang theo quy hoạch NTM được duyệt; có hệ thống thoát nước thải hoàn chỉnh; xã khu vực đồng bằng có tổ dịch vụ thu gom, xử lý rác thải...

Đồng chí Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT) cho biết: Dù rằng việc xử lý rác thải đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các địa phương trong thời gian gần đây, nhưng sự phát triển ở các vùng nông thôn hiện nay với sự gia tăng về dân số, sản xuất đã và đang tiếp tục tạo nhiều áp lực cho giải pháp vấn đề môi trường từ rác thải ở các vùng quê hiện nay. Nhất là ở các địa bàn có mật độ cư dân nông thôn sinh sống lớn như Đông Triều, TX Quảng Yên, Hải Hà… rác thải từ chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt vẫn đang tiếp tục gia tăng, tạo áp lực rất lớn cho vấn đề môi trường làng quê. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm thì phần lớn chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, chợ, trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính… Chủ yếu chất thải sinh hoạt là chất hữu cơ dễ phân huỷ (có tỷ lệ chiếm tới 65% chất thải sinh hoạt gia đình ở nông thôn), còn lại là các loại chất thải khó phân huỷ như túi ni lông, thuỷ tinh...

Cũng theo các kết quả điều tra nghiên cứu khoa học cho thấy, trung bình mỗi năm, hệ số phát thải đối với mỗi người dân tại khu vực nông thôn khoảng 0,5kg/người/ ngày. Với dân số khu vực này như hiện nay thì tổng lượng chất thải rắn trong một ngày sẽ là hơn 124 tấn. Điều đáng lo ngại là hiện nay với sự phát triển rất mạnh của các cơ sở chế biến nông sản ở khu vực nông thôn với lượng chất thải rắn khá lớn đang ngày càng gia tăng về số lượng, đa dạng và phức tạp về thành phần như phế liệu từ chế biến lương thực, thực phẩm (nước thải, bã ngô, đậu, sắn), túi ni lông, chai lọ thuỷ tinh, nhựa, bao bì đựng nguyên vật liệu, cao su, gốm sứ, gỗ, kim loại và hầu hết những chất thải này đều chưa được thu gom và xử lý đúng cách. 

Xử lý nước thải chưa được quan tâm

Xã Hiệp Hoà (TX Quảng Yên) - một trong những xã có số lượng các hộ gia đình làm nghề thủ công tương đối lớn như làm bún, đậu, bánh đa, mỳ phở… nhờ đó mà đời sống của người dân trong xã ngày càng được sung túc hơn. Thế nhưng đi song song với sự phát triển này là tình trạng ô nhiễm môi trường, sự hôi thối do nước thải của các nhà nghề này thải ra. Rồi đến xã Hưng Đạo, Nguyễn Huệ của huyện Đông Triều cũng có những dòng nước thải đen đặc từ chăn nuôi lợn, từ làm nghề thủ công thải ra cống rãnh chung, ra ao, ra mương bốc mùi hôi thối. Như đồng chí Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn chia sẻ: Khi làm các điều tra về tình trạng môi trường ở các vùng nông thôn, chúng tôi thấy rất nhiều giếng khoan của bà con khu vực này không thể sử dụng được do nước có mùi tanh, hôi rất khó chịu. Ở một số xã như Bình Dương, Hồng Thái Đông, Hồng Thái Tây (Đông Triều) nhiều hộ gia đình không thể sử dụng được nước giếng khoan nữa, mà phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác về dùng. Nguồn nước ngầm ở các xã này đang bị ô nhiễm rất lớn mà một trong những nguyên nhân là do lượng nước thải thải ra quá lớn lại không được xử lý, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của nguồn nước ngầm. 

Người dân TX Quảng Yên tham gia dọn cỏ, rác thải trên các tuyến đường liên xã. Ảnh: thu trang
Người dân TX Quảng Yên tham gia dọn cỏ, rác thải trên các tuyến đường liên xã. Ảnh: thu trang

Những năm qua, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những nội dung lớn trong Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường. Hằng năm, tỉnh đã triển khai nhiều dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình 120, 134, 135, định canh - định cư... Ngoài ra, các công trình còn được sử dụng từ các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; vốn tài trợ quốc tế... Theo báo cáo của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, tính đến hết năm 2012 tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt 90,7%, sử dụng nước sạch (Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế) đạt 32%, có nhà tiêu hợp vệ sinh 72%, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh 67%, trạm y tế, trường học sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 100%. Kết quả này cao hơn rất nhiều so với mục tiêu mà Chương trình mục tiêu Quốc gia đặt ra. Thế nhưng một vấn đề đang thực sự trở nên bức xúc ở các làng quê chưa được đặt vào thành chỉ tiêu thực hiện, đó là xử lý nước thải nông thôn. Vì vậy ở hầu khắp các xã của huyện Đông Triều, TX Quảng Yên, những nơi mà mật độ dân cư sinh sống gần xấp xỉ các đô thị lớn, lượng nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi đều được thải trực tiếp, lộ thiên ra ao hồ, cống rãnh.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, thì hiện nay việc xử lý nước thải ở các đô thị lớn còn đang là bài toán khó, chứ nói gì đến nước thải ở nông thôn. Đó là chưa kể đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải ở nông thôn đòi hỏi cần có nguồn vốn rất lớn. Chính vì vậy, lời giải cho vấn đề môi trường nông thôn hiện nay nằm ở chính sách quản lý và khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ gia đình hoạt động trên địa bàn nông thôn lựa chọn công nghệ sạch vào sản xuất, kinh doanh; đi đôi với việc xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ môi trường trong các làng, xã để có thể thu gom và xử lý triệt để các nguồn chất thải đảm bảo hợp vệ sinh; thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, huy động cả cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường  nông thôn bền vững. 

Ngọc Lan