Theo thống kê của Uỷ ban MTTQ Đầm Hà, toàn huyện hiện có 71 già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu. Trong những năm qua, đội ngũ này thực sự có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Bằng sự gương mẫu đi đầu với kinh nghiệm, trách nhiệm và uy tín của mình, họ đã tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của sự nghiệp đổi mới.
![]() |
Ông Nịnh Văn Toàn, người uy tín xã Tân Bình (Đầm Hà) giúp làm thủ tục cho một hộ dân trong thôn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách huyện. |
Sự đóng góp thiết thực của đội ngũ già làng, trưởng bản ở Đầm Hà được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu nhất là tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn luôn đi đầu trong việc chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi, mùa vụ trong sản xuất và tích cực vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất để ổn định đời sống. Bằng kinh nghiệm và thực tế, các già làng, trưởng bản còn hiến kế cho đội ngũ lãnh đạo huyện nhiều ý tưởng hay để từ đó đưa ra các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế thiết thực, sát hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Trong đó, hiệu quả nhất phải kể đến là chính sách giao rừng, giao đất và bãi triều, mặt nước biển đến từng hộ dân; chuyển đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thả cá; chuyển đổi cơ cấu giống, cây, con, mùa vụ; tận dụng đất đai để xen canh, nâng giá trị sản phẩm từ 20 triệu đồng trở lên/ha… Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như mô hình nuôi lợn, bò, gà, ngao, tôm, tu hài… Tiêu biểu là các già làng, người có uy tín: Lỷ Say Mằn, Lồ Phồng Hếnh, mỗi hộ trồng 50ha quế xen hồi; Lương Phu Dùng nuôi gà theo hình thức bán công nghiệp; Trịnh Văn Huệ nuôi hơn 1 vạn lồng tu hài…
Để bà con noi theo, các già làng, trưởng bản, người uy tín đã tiên phong chỉ đạo con cháu trong gia đình, dòng họ thực hiện trước, sau đó thấy hiệu quả, nhiều gia đình khác tự làm theo. Tiêu biểu như ông Nịnh Văn Toàn, người uy tín (xã Tân Bình). Trước đây gia đình ông kinh tế khó khăn, nhưng với ý chí vươn lên và luôn tìm kiếm các mô hình mới có giá trị, cho thu nhập cao, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tích cực tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh có các mô hình điểm về phát triển kinh tế hộ, để về đầu tư áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Ông đã vận động người thân trong gia đình dồn điền đổi ruộng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ cấy lúa sang trồng màu, trồng rừng, xây dựng mô hình trang trại kinh tế tổng hợp nuôi lợn, nuôi bò, nuôi gà đẻ trứng… Nhờ đó đời sống của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Từ kinh nghiệm của gia đình, ông đã tuyên truyền, vận động nhiều hộ trong thôn ông ở mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế hộ. Đến nay đã có 10 hộ trong thôn học và làm theo mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông và đã thoát nghèo, kinh tế ổn định.
Các già làng, trưởng bản, người uy tín còn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho đồng bào dân tộc, tôn giáo; tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong thực hiện: Công tác quốc phòng, quân sự địa phương; đảm bảo ANTT; dân số KHHGĐ; phát triển giáo dục ở thôn, bản; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; bài trừ mê tín dị đoan, phòng chống các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở... Các già làng, trưởng bản, người uy tín còn tích cực phối hợp với Hạt Kiểm lâm tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, nhiều năm qua các vụ cháy rừng đã được hạn chế tối đa, không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, mà thay vào đó là phủ xanh và làm giầu từ rừng. Đặc biệt, hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã phát huy vai trò của mình, tích cực vận động con, cháu và nhân dân trong thôn, bản đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất... để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi. Nhờ đó đến nay, chương trình xây dựng NTM của huyện đã đạt nhiều thành quả quan trọng.
Với những đóng góp thiết thực, đội ngũ già làng, trưởng bản của huyện đã và đang là “sợi dây” kết nối giữa cấp uỷ đảng, chính quyền với nhân dân, là những tấm gương sáng chăm lo lợi ích, trung tâm đoàn kết và là chỗ dựa của cộng đồng.
Hoài Anh