Thứ ba, 29/04/2025, 20:36 (GMT+7)
Liên hệ quảng cáo: 0934 635 884

Đan lưới cá Tân An

Từ lâu, phường Tân An (TX Quảng Yên) đã gắn bó với nghề đan lưới cá. Lưới cá Tân An không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Bởi vậy, đây cũng được xem là hướng thoát nghèo của vùng quê này, giải quyết việc làm, cho thu nhập ổn định cho nhiều nông dân lúc nông nhàn và giúp hàng trăm ngư dân  an tâm bám biển xa khơi.

“Hậu cần” nghề cá

Phường Tân An nằm ở vị trí ven biển. Ngư dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thuỷ sản. Hiện toàn phường có 75% người dân làm nghề sản xuất nông nghiệp; trong đó, phần lớn là khai thác nuôi trồng thuỷ hải sản với 154 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt cá. Trước đây, nghề đan lưới ở Tân An không phát triển là mấy, do trình độ tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nên lưới làm ra chủ yếu phục vụ bà con trên địa bàn đánh bắt gần bờ.  Thời điểm ấy, sau mỗi vụ thu hoạch cá xong nhiều ngư dân phải cất công sang tận vùng Thái Bình, Nam Định để mua lưới mới về thay. Thậm chí, nhiều gia đình còn thuê cả thợ về làm, không chỉ tốn kém chi phí mà còn mất nhiều thời gian khi phải phụ thuộc vào phía cung cấp.

Nghề đan lưới góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều người dân phường Tân An.
Nghề đan lưới góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều người dân phường Tân An.

Chị Lưu Thị Vân, chủ một xí nghiệp lưới Tân Vân, phường Tân An mở cơ sở buôn bán, sản xuất lưới cá cũng bắt đầu từ chính những suy nghĩ và trăn trở, tại sao người Tân An làm lưới truyền thống mà không phục vụ được cho khai thác thuỷ hải sản ngư dân địa phương? Vậy là chị quyết định chuyển đổi từ nghề may sang kinh doanh và sản xuất lưới cá. Ban đầu, cơ sở của chị chỉ nhận sửa chữa lưới cho bà con trong xã, sau thấy nghề này có điều kiện phát triển, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất với nhiều chủng loại lưới ngày càng đáp ứng nhu cầu các phương tiện đánh bắt xa bờ. Chị tâm sự: “Trước đây, ngư dân đánh bắt cá ở Tân An phải lặn lội đi xa mới mua được lưới. Mặc dù lưới trên thị trường có nhiều chủng loại, nhưng không được chất lượng mấy. Có lúc ngư dân mua lưới về chỉ đánh bắt được vài chuyến đã rách, hỏng làm ảnh hưởng đến năng suất mỗi chuyến ra khơi. Giờ họ đỡ vất vả hơn vì không phải đi xa mua lưới nữa. Lưới của bà con tự làm ra bao giờ cũng tốt và bền hơn. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt cá của các chủ tàu cao, hiệu quả hơn. Đặc biệt nếu lưới bị lỗi và hỏng chúng tôi sẽ sửa chữa kịp thời để ngư dân không bị nhỡ cho các chuyến ra khơi”.

Có thể nói sự phát triển nghề đan lưới cá đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nghề đánh bắt thuỷ sản ở đây. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt ngày một tăng cao. Chỉ riêng năm 2012, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản của địa phương đã đạt 2.850 tấn, giá trị sản xuất thuỷ sản đạt 56 tỷ đồng. Nhiều ngư dân trong phường đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính nghề truyền thống của cha ông.

Mưu sinh và giữ nghề

Giờ đến Tân An, hình ảnh dễ gặp nhất là những cụ ông, cụ bà, chị em phụ nữ tỉ mỉ, cần cù ngồi đan lưới. Với họ đây không chỉ là nghề mưu sinh để kiếm thêm thu nhập mà còn là niềm đam mê gắn bó giữ nghề “cha truyền, con nối” ở địa phương. Công việc đan lưới cần sự tỉ mỉ chi tiết đến từng sợi đan, nghề này chỉ phù hợp với những người cần cù và kiên nhẫn mới làm được. Để có được một treo lưới hoàn chỉnh cần từ 3 - 4 người cùng kết hợp làm. Người thì phụ trách phần đan; người lại phụ trách phần nối lưới vào với nhau; người thì gắn phao, chì… Thời gian để hoàn thành 1 treo lưới có khi mất cả tháng trời. Chị Trần Thị Quyển, tay vừa thoăn thoắt đan lưới, mắt không rời khỏi mũi chỉ, đường kim, chậm rãi tâm sự: “Khi đan lưới phải hết sức chú ý đến từng chi tiết nếu không lưới rất dễ bị lỗi gỡ ra sẽ rất khó. Quá trình gắn phao và chì cần có kỹ thuật khéo tay, khoảng cách phải đều nhau. Trung bình mỗi tháng tôi đan được 2 - 3 treo lưới, thu nhập cũng được hơn 2 triệu/1 tháng”. Còn theo “bật mí” của chị Lưu Thị Vân, trung bình 1 tháng cơ sở lưới của gia đình chị sản xuất và thu mua được 7 - 8 tạ lưới các loại. Giá bán bình quân khoảng 300.000 đồng/kg. Hiện nay, lưới Tân An đã có mặt trên nhiều thị trường như: Thái Bình, Nam Định, các tỉnh miền trung v.v.. Để nghề đan lưới ngày càng phát triển không bị mai một đi, hàng năm cơ sở của gia đình chị còn tổ chức mở 3 - 4 lớp dạy đan lưới cho thế hệ trẻ, giúp các em giữ được nghề truyền thống của cha ông.

Cùng với cơ sở của gia đình chị Vân, hiện trên địa bàn phường Tân An còn có 3 cơ sở sản xuất và thu mua lưới tại chỗ, tạo việc làm thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Lưới làm ra được các cơ sở thu mua trực tiếp. Vào các tháng cao điểm mùa đánh bắt cá (từ tháng 1 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 11 Âm lịch), các cơ sở phải huy động đến hàng trăm tay đan mới đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đặc biệt, những ngày nhàn rỗi như nghỉ hè nhiều em học sinh còn tranh thủ nhận lưới về nhà đan kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Bến cá Tân An những ngày này tấp nập những con tàu nối đuôi nhau chở đầy khoang cá bạc cập bến. Tiếng tàu rú, tiếng người thân gọi nhau làm bến cảng như náo nhiệt hẳn lên. Tôi hiểu rằng đằng sau những khoang cá bạc ấy là sự đóng góp âm thầm của những thợ đan vẫn đang ngày đêm cần mẫn với công việc đan lưới, công cụ không thể thiếu của ngư dân mỗi chuyến ra khơi…

Phạm Tăng (CTV)