* Cả thôn "khát" nước sạch
Thôn Nam Hải là một trong những thôn "khát nước" nghiêm trọng, "sống chung" với nước bẩn hàng chục năm nay. Anh Nguyễn Bân, cán bộ xã đi cùng cho biết: Nguồn nước sinh hoạt chính cho trên 70 hộ trong thôn là nước giếng, vốn đã bị nhiễm bẩn. Vì thế nhiều người vẫn gọi đây là thôn "nước vối".
![]() |
Các giếng nước ở thôn Ninh Hải có màu vàng đục, mùi hôi... |
Khảo sát thấy hàng chục giếng nước từ đầu cho tới cuối thôn đều nhiễm bẩn không rõ nguyên nhân. Tất cả đều có mùi hôi, có màu vàng đục…như nước vối. Thiếu điện, thiếu nước ngọt nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân trong thôn thêm phần khó khăn.
Chị Trần Thị Chiến, thôn Nam Hải cho biết: Nước giếng ở đây giặt quần áo gây ố, mất màu, pha chè nấu cơm thì đều làm mất vị... Nhiều năm nay nước thường chỉ dùng cho lau, rửa đồ đạc, tưới vườn...Thiếu nước sạch, cuộc sống hàng ngày, phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch...cũng gặp không ít khó khăn.
Chị Phạm Thị Tuyến, ở cuối thôn Nam Hải chia sẻ: Vào mùa khô hoặc trước hè tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng, nhiều giếng trơ đáy, nước càng thêm đục và hôi. Dù biết là nước bẩn, có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ nhưng vẫn phải dùng. Cả thôn phải kéo nhau đi xin, gánh nước ở thôn khác.
Các hộ gia đình trong thôn cũng đã tìm đủ mọi cách: lọc nước, khơi sâu giếng, đào thêm giếng... nhưng cũng không thể tìm được nguồn nước sạch. "Khát nước" không chỉ là chuyện riêng của thôn Nam Hải. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thôn Quang Trung. 30/55 hộ của thôn thường xuyên chịu cảnh "khát nước", trong đó có 20 hộ chịu sống chung với "nước vối". Điều đáng nói, "khát nước" là thực trạng chung diễn ra trên địa bàn xã đảo Minh Châu.
Theo khảo sát sơ bộ thì các thôn còn lại là: Tiền Hải có 60/65, Ninh Hải có 10/65 hộ chịu cảnh thiếu nước đặc biệt vào mùa khô và đầu hè.
* Tìm nguồn nước sạch: Khó khăn nhiều bề...
Ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch xã Minh Châu cho biết: Trước tình hình trên, những năm trước chính quyền xã cũng đề xuất và được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng các bể chứa nước mưa. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế có hạn nên phần lớn các hộ dân chỉ có thể xây được bể chứa nước từ 4- 5m3. Chỉ phần ít các hộ có điều kiện xây được bể trên 10m3.
![]() |
Ngoài bể nước, chum vại là các loại dụng cụ chứa nước phổ biến của người dân Minh Châu. |
Trên thực tế, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi hiện số lượng bể vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân. Theo thống kê cho tới nay trong xã chỉ có khoảng 120 bể chứa nước/250 hộ. Hơn nữa quy mô bể quá nhỏ không chứa nước đủ cho mùa khô. Cho tới nay nhiều bể nước theo thời gian cũng đã xuống cấp hoặc hư hỏng.
Trước tình trạng này, người dân các thôn Nam Hải, Quang Trung cũng tính tới giải pháp mở rộng lòng các giếng nước sạch hoặc tận dụng các nguồn nước tự nhiên. Tuy nhiên, đầu tư gồm: kinh phí xây dựng, mua bồn chứa, máy bơm... khá lớn. Minh Châu chưa có điện lưới nên phải dùng máy phát chạy bơm cộng với các chi phí quản lý... nên tổng đầu tư ban đầu cũng khoảng 80-100 triệu/điểm. Các điểm chứa và cấp nước này cũng chỉ đáp ứng đủ cho khoảng 10 hộ. Kinh phí hỗ trợ của xã rất hạn chế thế nên việc xã hội hóa đóng góp là quá sức đối với người dân.
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, dịch vụ, xã Minh Châu cũng đã đề xuất cải tạo đập thủy lợi Trương Sam (thôn Ninh Hải), có nguồn nước tự nhiên, quy mô trên 2000m2. Tuy nhiên sau khi khảo sát thì dự án được tạm dừng chờ dự án khác vì nguồn nước ở đây không đủ cung cấp cho toàn xã. Được biết huyện Vân Đồn dự định triển khai dự án đưa nước từ hồ Đồng Rinh (xã Quan Lạn) ở vị trí thuận lợi, cung cấp nước cho các xã: Bản Sen, Quan Lạn và Minh Châu. Tuy nhiên hiện tại dự án vẫn đang chờ vốn để triển khai.
Như vậy việc triển cấp nước sạch cho Minh Châu vẫn để ngỏ. Có nguồn nước sạch, ổn định phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch vẫn là niềm mong mỏi của người dân Minh Châu.
T.Quân